Sáng 12/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Chiều 12/2, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Cũng trong chiều 12/2, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội. Ảnh: ANTD.VN
Khi rà soát Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy bị "vướng" tới hơn 5.000 luật và văn bản pháp luật các loại, trong đó có hơn 200 luật cần sửa đổi bổ sung
Góp ý tại tổ Đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Lương Cường đặt vấn đề về thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp và báo cáo Trung ương, làm sao đích đến của tinh gọn là phải hiệu lực, hiệu quả. Nếu tổ chức lại thì bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ.
Chủ tịch nước nêu, khi rà soát Nghị quyết 18 bị "vướng" tới hơn 5.000 luật và văn bản pháp luật các loại, trong đó có hơn 200 luật cần sửa đổi bổ sung. Theo đó, để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn thì phải "gỡ" được các điểm vướng đang tồn tại. Quan trọng nhất là tập trung vào 4 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Cùng với đó là 5 nghị quyết liên quan để triển khai Nghị quyết 18 sẽ được Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung lần này.
Chủ tịch nước Lương Cường cũng nêu, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã họp rất nhiều phiên thống nhất cao nhiều vấn đề, nhưng để quyết tâm thực hiện thì mọi cấp, ngành và từng cá nhân trong toàn bộ hệ thống chính trị đều phải cố gắng theo tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: phải "vừa chạy, vừa xếp hàng", nhưng tất nhiên là phải có nguyên tắc.
Nêu "3 đột phá chiến lược" quyết định phát triển là thể chế, nhân lực và hạ tầng, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, đây cũng là những nội dung có nhiều điểm nghẽn nhất, nhất là về thể chế. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội với chuyên môn, thực tiễn cơ sở cùng thảo luận sửa các luật để đảm bảo "tốt hơn, mạnh hơn".
Về nội dung này, nêu ý kiến tại Tổ 8 (gồm đại biểu Quốc hội các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Cần Thơ, Kon Tum), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy, để bộ máy tinh gọn mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức… Đây là chủ trương lớn của Đảng mà chúng ta làm sắp xong, trong tháng 2 cố gắng hoàn thành các công việc để tháng 3 tổ chức, cơ cấu mới bắt đầu vận hành và chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Khi bộ máy, tổ chức, cơ cấu mới đưa vào vận hành sẽ có sự trơn tru, thuận lợi, nhưng cũng có những vướng mắc, trục trặc, khó khăn thì chúng ta phải giải quyết.
Theo đó, với dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phân định rõ cơ quan xây dựng chính sách và quy trình. Làm sao đúng vai, thuộc bài, anh nào làm đúng nhất thì giao anh đó, phân biệt rõ cơ quan lập pháp hành pháp, tư pháp. Càng rõ thì càng dễ đánh giá, càng dễ xác định trách nhiệm. Tinh thần là phân cấp, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, từ thực tiễn thấy cái gì vướng mắc phải sửa.
Theo người đứng đầu Chính phủ, "đấy là những nguyên tắc rất cơ bản, chúng ta cần bám sát để triển khai".
Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội. Ảnh: VGP
Đặt vấn đề trong thực tế có những vấn đề Chính phủ phải họp trong một tiếng, một đêm để quyết định ngay, nên ban hành văn bản không có tính pháp quy thì ai dám làm? - Thủ tướng đề nghị, cần bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, bởi có vấn đề cá biệt, phải xử lý ngay.
Theo Thủ tướng, luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện hiệu quả, miễn là đừng tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. Trong xây dựng pháp luật, cần đề ra không gian cho sự sáng tạo và bảo vệ người sáng tạo, chấp nhận rủi ro, không truy tố người không có động cơ vụ lợi. Vì để xử lý vấn đề cá biệt, cấp bách thì phải là trách nhiệm cá nhân chứ lúc đó mang ra bàn thì khó quyết nhanh.
“Làm sao để người dân, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan đổi mới sáng tạo và bảo vệ họ, đi cùng chống tiêu cực, lãng phí. Nói tóm lại người không vụ lợi thì cần bảo vệ. Tôi nói vậy để khi thiết kế luật thì phải có không gian sáng tạo, phải phân cấp phân quyền nhiều hơn, giảm thủ tục hành chính”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước
Trong phiên làm việc chiều 12/2, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Chiều 12/2/2025, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Ảnh: quochoi.vn
Theo đó, Nghị quyết áp dụng trong các trường hợp thành lập, tổ chức lại (bao gồm việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức các cơ quan dưới các hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn), thay đổi tên gọi, thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức, giải thể cơ quan để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Dự thảo nghị quyết quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Do thực tế triển khai có thể có những tình huống phát sinh chưa dự liệu hết, nghị quyết quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội; định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025 và được thực hiện đến hết ngày 28/2/2027. Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XVI (tháng 10/2026).
Về giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết giao Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội để tăng tính chủ động, linh hoạt của các cơ quan trong việc kịp thời xử lý các vấn đề, tình huống phát sinh sau khi sắp xếp mà chưa được điều chỉnh trong nghị quyết.
Nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện tại cũng đã có một số cơ quan công bố và chính thức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo các phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, do đó,đề nghị quy định nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi được Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015).
Trần Vũ