ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam): Cần có cơ chế thử nghiệm pháp lý cho các chính sách mới
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã có một số cải cách tích cực giúp khắc phục, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Với quy định về rà soát, kiểm tra và đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành luật (Điều 29), sẽ giúp tránh ban hành luật có nội dung không phù hợp, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật; giảm xung đột, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Việc tăng cường cơ chế phản biện xã hội và tham vấn (Điều 6 và Điều 30) giúp mở rộng phạm vi lấy ý kiến từ nhiều đối tượng, giúp chính sách phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn, khắc phục tình trạng thiếu minh bạch, giảm rủi ro lợi ích nhóm.
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam)
Việc phân quyền mạnh hơn cho địa phương (Điều 5 và Điều 21), giúp chính quyền địa phương có thể điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương mà không cần chờ Trung ương, giải quyết tình trạng chờ chỉ đạo, thiếu linh hoạt trong quản lý. Đặc biệt, việc thực hiện quy trình lập pháp rút gọn đối với các vấn đề cấp bách (Điều 10 và Điều 26) sẽ giúp nhanh chóng ban hành chính sách phù hợp với tình hình thực tế mà không phải chờ đợi quy trình lập pháp thông thường, xóa bỏ điểm nghẽn về tốc độ ban hành chính sách. Việc ứng dụng công nghệ trong công khai văn bản pháp luật (Điều 9) sẽ tạo cơ sở dữ liệu pháp luật mở, giúp người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận, tra cứu, giảm tình trạng thiếu minh bạch thông tin pháp luật.
Mặc dù có nhiều điểm sửa đổi tích cực, nhưng dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết triệt để một số điểm nghẽn quan trọng. Ví dụ, quy định về quy trình lập pháp vẫn còn cồng kềnh (Điều 37 và Điều 40), mặc dù có rút gọn quy trình ở một số khâu, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính kéo dài, nếu được thông qua sẽ tiếp tục gây chậm trễ trong việc ban hành chính sách quan trọng. Cùng với đó là việc giảm trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra (Điều 30, 33, 36, 40). Dự thảo Luật không còn bắt buộc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, giải trình không còn toàn diện, điều này dẫn tới nguy cơ giảm chất lượng lập pháp, làm chính sách dễ bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
Dự thảo Luật cũng còn thiếu cơ chế xử lý văn bản trái luật, văn bản kém chất lượng (Điều 8), cụ thể là chưa có quy định xử lý trách nhiệm cá nhân đối với việc ban hành văn bản trái luật, gây khó khăn trong thực thi và tạo nguy cơ tiếp tục ban hành văn bản thiếu thống nhất. Đồng thời, dự thảo Luật cũng chưa tận dụng đầy đủ công nghệ pháp lý (LegalTech) trong soạn thảo luật, chưa có quy định về ứng dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra sự chồng chéo của luật pháp; việc rà soát tính thống nhất của luật vẫn phụ thuộc nhiều vào đánh giá chủ quan.
Để việc sửa đổi thực sự giúp tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, cần bổ sung một số quy định. Với quy trình lập pháp còn cồng kềnh, cần cho phép kết hợp thẩm tra và thẩm định để giảm bớt một bước trung gian, đồng thời, cần có cơ chế thử nghiệm pháp lý cho các chính sách mới thay vì đợi quy trình lập pháp hoàn chỉnh. Nói cách khác là, bổ sung quy trình rút gọn linh hoạt hơn để bảo đảm phản ứng nhanh với tình hình thực tế. Nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan lập pháp, đặc biệt trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện. Ứng dụng công nghệ pháp lý mạnh mẽ hơn, giúp phát hiện nhanh các xung đột pháp luật và nâng cao tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Việc sửa đổi Luật lần này đã giúp tháo gỡ một số điểm nghẽn thể chế, nhưng chưa hoàn toàn triệt để. Do đó, cần tiếp tục cải tiến, đặc biệt là trong trách nhiệm giải trình, xử lý văn bản kém chất lượng và ứng dụng công nghệ để hoàn thiện hơn.
ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh): Cần bổ sung đối tượng tham vấn chính sách
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có rất nhiều đổi mới về quy trình thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào đơn giản hóa quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm mục tiêu vừa đơn giản, hợp lý, vừa bảo đảm chất lượng của văn bản, tạo sự linh hoạt hơn trong công tác ban hành pháp luật. Một trong những điểm mới trong quy định về quy trình thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là tách bạch quy trình chính sách với việc lập Chương trình lập pháp hằng năm; phân định rõ hơn quy trình chính sách và quy trình soạn thảo…
ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh)
Trong quá trình xây dựng chính sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ được cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo tham vấn chính sách thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách. Tôi cơ bản nhất trí với việc thiết kế quy định về tham vấn chính sách trong dự thảo Luật, tuy nhiên, đối tượng tham vấn chính sách chưa toàn diện, mới tập trung vào lấy ý kiến của các cơ quan Nhà nước là các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội. Trong khi đó, đối tượng rất cần được lấy ý kiến là các đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Do đó, đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung đối tượng chịu sự tác động của chính sách vào các đối tượng được cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo tham vấn chính sách.
Một điểm mới nữa của dự thảo Luật là việc “đổi vai” trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, cơ quan trình sẽ chịu trách nhiệm đến cùng và cơ quan thẩm tra có trách nhiệm phản biện. Theo dự thảo Luật, cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật cũng quy định, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực do mình phụ trách và dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao. Trong số các nội dung thẩm tra có nội dung về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, cụ thể bên Chính phủ là Bộ Tư pháp và bên Quốc hội là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp trong việc theo đến cùng nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết hay không. Do vậy, đề nghị cần phải làm rõ hơn nội dung này.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): Đăng tải công khai, ngay cả với văn bản thực hiện thủ tục rút gọn
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)
Thủ tục rút gọn có thể giúp đẩy nhanh quá trình ban hành văn bản, nhưng nếu lạm dụng, có thể làm giảm cơ hội tham vấn, thậm chí bỏ qua ý kiến phản biện từ xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi số lượng văn bản áp dụng thủ tục rút gọn ngày càng gia tăng thì cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh tình trạng một số chính sách quan trọng được thông qua quá nhanh, không được đánh giá đầy đủ tác động. Cần giữ nguyên việc đăng tải công khai, ngay cả với văn bản thực hiện thủ tục rút gọn. Dù thời gian lấy ý kiến có thể ngắn hơn, nhưng điều quan trọng là hồ sơ cần được lưu trữ và công khai, giúp báo chí và các bên liên quan có thể theo dõi, giám sát. Điều này không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm giải trình mà còn tạo điều kiện cho việc điều chỉnh, sửa đổi nếu phát sinh vấn đề trong quá trình thực thi.
Tôi cho rằng, quy trình ban hành luật cần linh hoạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng yếu tố minh bạch, công khai và tham vấn phải được đặt lên hàng đầu. Khi bảo đảm được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan thì hệ thống pháp luật mới thực sự phản ánh được nhu cầu thực tế và tránh được những bất cập khi áp dụng vào cuộc sống.
L. Giang - T. Chi - T. Thành ghi