Theo Army Recognition, đây là một loại máy bay không người lái (UAV) được thiết kế để đánh chặn UAV đối phương bằng va chạm trực tiếp.
Công nghệ Kinzhal
UAV Kinzhal được thiết kế như một phương tiện đánh chặn tầm ngắn, hoạt động trong vùng trời tranh chấp để ngăn chặn UAV tấn công. Dù cùng tên với tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal nhưng UAV này có chức năng hoàn toàn khác.
Thiết bị sử dụng đầu dò hồng ngoại sóng trung để dẫn hướng theo nguồn nhiệt và có tốc độ tối đa đạt 300km/h.
UAV đánh chặn, do công ty ASF-Innovations của Nga phát triển và được đặt tên trùng với tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2, được thiết kế để hoạt động như một phương tiện đánh chặn - Ảnh: Bes Pilot
Theo Telegram/Bes Pilot, kết cấu của UAV Kinzhal do nhiều công ty nội địa cung cấp như: thân và khung máy bay do Farmplast sản xuất; động cơ điện do Pro-Technology chịu trách nhiệm; Vector chế tạo cánh quạt; Krait đảm nhận hệ thống điều khiển bay. Thiết kế tổng thể của Kinzhal tương tự UAV đánh chặn Yolka FPV trước đó sử dụng trong thực chiến.
Kinzhal đang ở dạng nguyên mẫu, cùng chuỗi UAV đánh chặn của Nga như Yolka và Tarantul-Ptitselov. Trong đó, Yolka - ra mắt vào tháng 5, là UAV đánh chặn va chạm tự hành; Tarantul-Ptitselov bắt UAV địch ở cự ly gần bằng lưới.
Chiến sự Ukraine và cuộc đua UAV đánh chặn
Khái niệm UAV đánh chặn xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô bắt đầu nghiên cứu ứng dụng UAV trong huấn luyện và phòng không. Tuy nhiên, hạn chế về công nghệ khiến chúng chỉ thực hiện những chức năng đơn giản, như mẫu QH-50 DASH của hải quân Mỹ vào thập niên 1960 phục vụ chống tàu ngầm.
Đến thập niên 2010, UAV Coyote của Raytheon (Mỹ) cải tiến từ UAV mồi nhử thành UAV đánh chặn, chứng minh UAV nhỏ vẫn có thể thực hiện đánh chặn hiệu quả và chi phí thấp.
Chiến sự tại Ukraine từ năm 2022 đã đẩy mạnh UAV đánh chặn. Ukraine sản xuất tới 200.000 UAV mỗi tháng, bao gồm Chief-1, VARTA DroneHunter, Sting. Mạng lưới “Clear Sky” kết hợp radar, quan sát viên mặt đất và UAV phản ứng nhanh. Nga cũng phát triển UAV đánh chặn mới; trong khi Mỹ, Israel, Đức, Pháp đang nghiên cứu UAV đánh chặn tự động và UAV bắt lưới.
Hai nhóm UAV đánh chặn
Trên thực tế, UAV đánh chặn chia làm hai nhóm là loại tiêu hao và tái sử dụng.
UAV FPV như Sting hay Shulika của Ukraine là loại tiêu hao, dùng va chạm để tiêu diệt UAV đối phương và không thể thu hồi. Giá thành dao động từ 500 - 5.000 USD, thường được sử dụng để đối phó UAV Shahed hoặc Lancet tầm thấp, đặc biệt trong các cuộc tấn công ban đêm.
Loại tái sử dụng là VARTA DroneHunter của Ukraine hay Tarantul-Ptitselov của Nga. Chúng sử dụng đạn chùm, bắt lưới và có thể quay lại căn cứ.
Thách thức và hướng phát triển
Dù tiềm năng lớn, UAV đánh chặn cũng gặp nhiều thách thức như tầm hoạt động và thời lượng bay ngắn (dưới 30 phút), độ ổn định bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khó tiếp cận các mục tiêu bay cao như tên lửa hành trình hoặc UAV trinh sát tốc độ cao.
Ngoài ra, nếu bị tấn công bởi số lượng UAV lớn, hệ thống đánh chặn dễ bị quá tải. Một số mẫu cũng dễ bị gây nhiễu điện tử nếu không được trang bị hệ thống điều hướng độc lập. Khả năng đánh chặn phụ thuộc vào hệ thống phát hiện bên ngoài như radar hoặc quan sát viên, dễ gây chậm trễ.
Để khắc phục, nhiều hướng phát triển đang được nghiên cứu như UAV đánh chặn theo nhóm (swarm), tích hợp thuật toán tự động, kết hợp hệ thống phòng không tên lửa đất và pháo truyền thống để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Hoàng Vũ