Mục tiêu bị tấn công gồm các bệ phóng S-300V và loạt radar quan trọng như Obzor-3, Kasta-2E2, ST-68 và Imbir, những thành phần then chốt trong mạng lưới phòng không nhiều tầng của Nga ở bán đảo này.
Máy bay không người lái FPV của Ukraine tấn công các bệ phóng S-300V, radar Obzor-3, Kasta-2E2, ST-68 và radar Imbir ở Crimea. (Nguồn: X/Clash Report)
Chiến dịch đã làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả của các hệ thống phòng thủ đắt đỏ trong bối cảnh công nghệ UAV ngày càng rẻ, linh hoạt và khó bị phát hiện. Những thiết bị vốn được phát triển cho mục đích dân dụng như đua UAV, nay đã được Ukraine hoán cải để phục vụ chiến sự, với chi phí chỉ từ 500 - 2.000 USD mỗi chiếc.
Những chiếc FPV này được trang bị camera độ phân giải cao và mang theo khối thuốc nổ nhỏ. Chúng cho phép người điều khiển lái trực tiếp qua tín hiệu hình ảnh truyền về theo thời gian thực. Với giá thành thấp, khả năng sản xuất hàng loạt và bay ở độ cao thấp, nơi nhiều radar truyền thống không thể phát hiện, chúng trở thành "sát thủ thầm lặng" đối với các mục tiêu chiến lược.
Tại Crimea, các UAV Ukraine đã xuyên thủng lớp phòng không vốn được coi là dày đặc nhất của Nga, khai thác những điểm mù trong hệ thống radar. Dữ liệu từ các cuộc tấn công trước đó cho thấy Ukraine liên tục nhắm vào các radar như Kasta-2E2 và Podlet, hé lộ chiến lược làm suy yếu năng lực phòng không từ gốc.
Trung tâm của đợt tấn công lần này là hệ thống S-300V, một nền tảng phòng không chủ lực, có từ thời Liên Xô nhưng vẫn được Nga liên tục nâng cấp. S-300V được thiết kế đặc biệt cho lực lượng lục quân, có khả năng bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách tới 100 km và độ cao 30 km.
Hệ thống radar đi kèm cũng rất đa dạng: Obzor-3 đảm nhiệm giám sát tầm xa, Imbir dẫn bắn tên lửa, Kasta-2E2 phát hiện mục tiêu bay thấp, còn ST-68 dùng để cảnh báo sớm. Chúng kết hợp thành một mạng lưới phòng thủ phức tạp, được cho là có khả năng đối phó với các cuộc tấn công hiện đại.
Thế nhưng thực tế tại Crimea lại cho thấy điều ngược lại. Mặc dù có tính cơ động, hệ thống S-300V vẫn cần thời gian để triển khai hoặc di chuyển, khiến nó dễ bị tấn công khi đang ở trạng thái cố định. FPV, với kích thước nhỏ, bay sát mặt đất và khó bị phát hiện từ xa, đã tận dụng tối đa những điểm yếu đó.
Không giống các loại máy bay lớn hoặc có người lái, FPV thường chỉ bị phát hiện khi đã áp sát mục tiêu. Trong khi đó, các biện pháp tác chiến điện tử truyền thống lại kém hiệu quả, đặc biệt với các UAV sử dụng dây cáp quang hoặc công nghệ kháng nhiễu.
Một báo cáo từ tháng 1 của trang Militarnyi, cũng từng đề cập đến nỗ lực của Ukraine nhằm vô hiệu hóa các UAV điều khiển bằng cáp quang của Nga, cho thấy cả hai bên đều đang trong cuộc chạy đua thích nghi với mối đe dọa mới mang tên UAV.
Hệ thống phòng không S-300. (Nguồn: TASS)
Sự chênh lệch chi phí giữa tấn công và phòng thủ là điểm đáng lưu ý. Một bệ phóng S-300V có thể tiêu tốn hàng chục triệu USD, trong khi UAV tấn công chỉ vài nghìn USD. Điều này cho phép Ukraine triển khai chiến lược "chi phí thấp, tổn thất cao", một cách đánh phi đối xứng mang lại hiệu quả đáng kể.
Đây không phải lần đầu hệ thống phòng không hiện đại bị vượt mặt bởi UAV. Năm 2020, Azerbaijan sử dụng UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công lực lượng Armenia tại Nagorno-Karabakh, vượt qua cả thiết giáp và phòng không.
Tương tự, lực lượng Houthi ở Yemen từng dùng UAV giá rẻ để tấn công hệ thống Patriot của Saudi Arabia. Ngay cả Mỹ cũng từng ghi nhận các vụ UAV xâm nhập không phận hạn chế tại Ohio và New Jersey vào năm 2019.
Những ví dụ này phản ánh một thực tế đang trở nên phổ biến: nhiều hệ thống phòng không hiện đại, được thiết kế cho các cuộc xung đột kiểu Chiến tranh Lạnh, đang tỏ ra lỗi thời trước các công nghệ tấn công mới, rẻ tiền và dễ chế tạo.
Lầu Năm Góc đã bắt đầu đầu tư vào các giải pháp chống UAV như máy bay đánh chặn Coyote hay vũ khí laser, nhưng nhiều hệ thống vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Với Crimea, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen, việc mất các radar và thành phần phòng không S-300V không chỉ là tổn thất chiến thuật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực phòng thủ chiến lược của Nga. Những "khoảng trống" do radar bị phá hủy có thể mở đường cho các cuộc tấn công tiếp theo bằng tên lửa hành trình hoặc UAV tầm xa từ phía Ukraine.
Một chuyên gia hàng không được Euromaidan Press dẫn lời vào tháng 3 cho biết, các đòn tấn công bằng UAV đã "làm sụp đổ hiệu quả" mạng lưới phòng không của Nga tại Crimea, để lộ ra nhiều lỗ hổng nghiêm trọng.
Không chỉ tạo ra tổn thất vật chất, các cuộc tấn công này còn gây ra tác động tâm lý lớn. Hệ thống phòng không Nga, từng được tuyên truyền là gần như bất khả xâm phạm, nay lại bị xuyên thủng bởi những chiếc UAV giá rẻ.
Trong suốt lịch sử, các hệ thống phòng không từng nhiều lần gặp khó khăn trước những thay đổi của xung đột hiện đại, từ thời Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đến vụ tấn công nhà máy dầu Abqaiq ở Saudi Arabia năm 2019.
Nga hiện đã triển khai các hệ thống phòng không tầm ngắn như Pantsir-S1 để đối phó UAV, nhưng chính những hệ thống này cũng trở thành mục tiêu.
Theo Defense Express, đến tháng 6/2023, đã có tới 18 tổ hợp Pantsir bị phá hủy tại Ukraine, phần lớn do UAV gây ra.