UAV - vũ khí lợi hại của quân đội Nga

UAV - vũ khí lợi hại của quân đội Nga
5 giờ trướcBài gốc
Lời tòa soạn
Nga nổi tiếng là quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh mẽ với nhiều dòng vũ khí hiện đại và hiệu quả. Trong số đó, máy bay không người lái, bom mô đun, robot cảm tử và súng bắn tỉa thuộc Top 5 vũ khí mạnh nhất hiện nay của nước này.
Bài 1: Top 5 vũ khí hiện đại của Nga mạnh nhất hiện nay
Những UAV điển hình trong mục đích chiến đấu
Tính tới đầu năm 2025, các mẫu Lancet, Geran-2 và Kub-BLA là những UAV cảm tử được sử dụng nhiều nhất trong biên chế của quân đội Nga. Những UAV này đều có một điểm chung là khi lao vào thiết bị quân sự của đối phương, phần đầu đạn được lắp ở đầu hoặc thân sẽ phát nổ, khiến mục tiêu bị hư hại nặng.
UAV Lancet. Ảnh: Army Recognition
UAV Lancet hiện có 3 phiên bản gồm Lancet-3, Lancet-1 và Izdeliye-53. Trong đó, 2 phiên bản thông dụng hơn là Lancet-3 và Lancet-1.
UAV Lancet-3 dài 1,65m; trọng lượng 12kg, trong đó đầu đạn nặng 3kg; thời gian bay tối đa 40 phút. Động cơ điện lắp trên Lancet giúp khí tài này có tốc độ bay đạt 110 km/h và tốc độ bay khi thực hiện đòn tập kích là 300 km/h. Đây là loại vũ khí chuyên được sử dụng để tấn công xe tăng, xe bọc thép...
Trong khi đó, Geran-2 là UAV do công ty JSC Alabuga của Nga thiết kế, dựa trên mẫu Shahed-136 của Iran. So với UAV Lancet, UAV Geran có trọng lượng lớn hơn khi nặng tới 240kg; dài 3,5m; sải cánh 2,5m. Phần đầu đạn Geran-2 có thể mang nặng từ 52 - 90kg. Do mang đầu đạn lớn hơn Lancet, nên nhiệm vụ của Geran-2 sẽ tập trung vào đánh phá các cơ sở hạ tầng như nhà máy, xí nghiệp, công sự.
UAV Geran-2. Ảnh: Mạng xã hội X/Army Recognition
Về Kub-BLA, đây là loại UAV được công ty Zala Aero trực thuộc Tập đoàn vũ khí Kalashnikov của Nga phát triển vào nửa cuối thập niên 2010. Kub-BLA có sải cánh rộng 1,21m; dài 0,95m. Tải trọng khi cất cánh của Kub-BLA là 3kg. Tốc độ bay trung bình của Kub-BLA đạt từ 80-130 km/h. Thời gian bay liên tục 30 phút. Loại UAV này được thiết kế để tấn công các cơ sở hạ tầng trên bộ hoặc trên biển cũng như các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ.
UAV Kub-BLA. Ảnh: Tvzvezda.ru
UAV phục vụ mục đích dân sự
Không chỉ chú trọng vào mục đích quân sự, Nga cũng chế tạo UAV cho các mục đích dân sự, điển hình là UAV Chirok. Đây là UAV được UIMC, một trong những công ty con của tập đoàn quốc phòng Rostec phát triển trong thập niên 2010 và trình làng lần đầu vào năm 2014. Chirok được trang bị hệ thống đệm khí nên có thể cất hạ cánh được cả trên bộ lẫn trên mặt nước.
UAV Chirok. Ảnh: Wikipedia
UAV này có sải cánh rộng 10m; trọng lượng tối đa khi cất cánh đạt 700kg, trong đó tải trọng là 300kg. Theo số liệu do UIMC công bố, Chirok có thể bay 2.500km chỉ với một lần nạp nhiên liệu. Với tầm bay như vậy, Chirok được sử dụng cho nhiều kiểu nhiệm vụ khác nhau như giám sát các mối đe dọa cháy rừng, theo dõi khu vực bị thiên tai, quan sát đường sá giao thông hoặc tuần tra.
Ngoài Chirok, Orlan-10 cũng là một cái tên đáng chú ý vì đây là UAV trinh sát được nhiều bộ ngành của Nga sử dụng phổ biến. Trọng lượng cất cánh tối đa của Orlan-10 là 15kg, tầm hoạt động tối đa đạt 600km. Orlan-10 có thể hoạt động liên tục trong 16 tiếng, với trần bay là 5.000m.
UAV Orlan-10. Ảnh: Wikipedia
Tương lai của UAV do Nga sản xuất
Tính đến tháng 4/2025, Nga đang phát triển UAV Sukhoi S-70 Okhotnik-B. Loại UAV này được chế tạo bằng vật liệu tổng hợp và lớp phủ tàng hình, nhằm mục đích giảm tiết diện khi bay trước radar đối phương. Động cơ trang bị cho mẫu UAV này cũng khác hoàn toàn với các UAV đang có trong biên chế quân đội Nga. Đó là động cơ AL-31F chuyên dùng cho tiêm kích Su-27.
Theo trang Globalsecurity.org, tầm hoạt động tác chiến và tầm bay tối đa của S-70 Okhotnik lần lượt là 4.000km và 6.000km.
UAV Sukhoi S-70 Okhotnik-B. Ảnh: Army Recognition
Tuấn Trần
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/uav-vu-khi-loi-hai-cua-quan-doi-nga-2393454.html