Những tòa nhà bị phá hủy ở Kurakhove, miền đông Ukraine (Ảnh: WSJ)
Quyết định muộn màng
Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa do Mỹ cung cấp sẽ hạn chế việc Moscow vận chuyển binh sĩ và thiết bị cho tiền tuyến – nhưng các nhà phê bình cho rằng quyết định này đã quá muộn để có tác động lớn đến chiến trường.
Ukraine từ lâu đã xin Mỹ cho phép nước này sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân, hay ATACMS, để tấn công và phá vỡ vị trí quân Nga từ cách xa mặt trận. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, các tên lửa này có thể tấn công ở khoảng cách từ 100 đến 190 dặm (160 – 1.500 km), tùy thuộc vào phiên bản và sẽ cho phép Kiev tấn công khoảng 200 mục tiêu bao gồm sân bay, kho vũ khí, trung tâm huấn luyện và đường tiếp tế.
Ukraine dự kiến sẽ triển khai chúng đầu tiên tại khu vực Kursk của Nga, nơi lực lượng Moscow đang chiến đấu để giành lại lãnh thổ bị quân đội Kiev chiếm giữ trong một cuộc tấn công bất ngờ vào mùa hè. Ukraine chưa bình luận về diễn biến này, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky nói: “Tên lửa sẽ tự nói lên điều đó”.
Việc cho phép Ukraine sử dụng ATACMS ở Nga sẽ tiếp thêm động lực cho quân đội đang mệt mỏi của Ukraine, vốn phải liên tục thoái lui trước quân đội Nga trong những tuần gần đây. Tác động của tên lửa ATACMS sẽ phụ thuộc vào số lượng Mỹ gửi đến và liệu Moscow có thể thích ứng để ngăn chặn Ukraine hay không.
Trong nhiều tháng, Mỹ đã từ chối lời cầu xin của Ukraine về việc cho phép sử dụng ATACMS tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga vì lo ngại sự leo thang. Phó cố vấn an ninh quốc gia Jon Finer, tại Rio de Janeiro hôm đầu tuần này, chỉ ra rằng việc quân đội Triều Tiên xuất hiện trên chiến trường là một phần nguyên nhân dẫn tới quyết định cho phép Ukraine.
“Mỹ đã nói rõ trong suốt cuộc xung đột này rằng chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định chính sách dựa trên hoàn cảnh mà chúng tôi xác định được trên chiến trường, kể cả trong những ngày và tuần gần đây, khi mà Nga đã leo thang đáng kể liên quan đến việc tự mình triển khai lực lượng của một quốc gia nước ngoài”, Finer nói.
Một vụ phóng tên lửa ATACMS trong cuộc tập trận quân sự ở Australia (Ảnh: WSJ)
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, nếu việc Mỹ cấp phép được xác nhận, điều đó về cơ bản sẽ tạo nên “một vòng xoáy căng thẳng mới”.
Sự thận trọng của Washington đối với việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine trong gần 3 năm chiến tranh – đôi lúc có các cuộc thảo luận kéo dài – đã giúp Nga có nhiều thời gian chuẩn bị cho viễn cảnh khi cuối cùng Mỹ cũng “bật đèn xanh”.
Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc phòng(RUSI), cho biết thời gian phê duyệt kéo dài cho phép Nga di chuyển một số mục tiêu có giá trị cao nhất như máy bay và trực thăng ra khỏi tầm bắn của ATACMS. Ông Savill cho biết Ukraine vẫn có thể tấn công các mục tiêu khác, “nhưng sẽ giảm tác động kể nếu so với thời điểm khi Ukraine lần đầu yêu cầu những vũ khí này”.
“Trong khi Ukraine đấu tranh hàng tháng trời để có được vũ khí mới, quyền triển khai chúng và đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng, thì Nga lại có được những gì họ cần”, cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên mạng xã hội.
Một chiếc ô tô bị phá hủy ở Sumy, đông bắc Ukraine (Ảnh: WSJ)
Tác động của ATACMS
Tuy nhiên, việc có thể sử dụng ATACMS bên trong lãnh thổ Nga sẽ mang lại hàng trăm mục tiêu tiềm năng trong tầm bắn của Ukraine. Từ trước đến nay, Nga có thể điều hành hoạt động hậu cần của mình đến tiền tuyến mà không sợ bị gián đoạn. Giờ đây, các kho đạn, sân bay và khu tập kết của Nga đều nằm trong tầm bắn.
Một trong những khu vực đầu tiên mà Ukraine có thể triển khai tên lửa là Kursk, khu vực của Nga mà Ukraine chiếm đóng một phần, đang đối mặt với đòn phản công ác liệt từ Nga. Chính tại Kursk, Nga đã tập trung quân và trang thiết bị, bao gồm khoảng 50.000 binh sĩ Nga và khoảng 10.000 binh sĩ Triều Tiên. Việc kiểm soát lãnh thổ có thể rất quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào, điều mà Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông muốn thực hiện.
Nếu được triển khai ở Kursk, ATACMS có thể buộc Nga phải đẩy các khu vực tụ quân ra xa tiền tuyến hơn. Hiện tại, quân đội Nga có thể triển khai quân và trang thiết bị một cách nhanh chóng, với phần lớn trang thiết bị được bố trí vào các vị trí tấn công cách mặt trận từ 20 đến 30 dặm, ngoài tầm với của HIMARS, một hệ thống pháo phản lực tầm ngắn mà Ukraine đã được phép sử dụng.
Nếu các trang thiết bị Nga buộc phải di dời để né các đòn tấn công của ATACMS, quân đội Nga sẽ mất nhiều giờ hơn để tiếp cận mặt trận, giúp Ukraine có thêm không gian để lên chiến lược cho các cuộc tấn công của mình.
Các mục tiêu có tác động cao tiềm tàng khác đối với ATACMS là sân bay chứa máy bay ném bom và trực thăng tấn công của Nga. Nhắm mục tiêu vào các sân bay đó sẽ giúp người Ukraine giảm bớt một số cuộc oanh tạc với những quả bom lượn khổng lồ của Nga.
Huyền Chi