Trong một động thái gây chấn động chính trường châu Âu, Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hợp Quốc và là cựu Đại sứ Ukraine ở Đức, ông Andriy Melnyk đã kêu gọi Berlin chuyển 30% số máy bay và thiết giáp mà quân đội Đức (Bundeswehr) hiện có cho Kiev.
Đề nghị gây sốc nói trên được nêu trong một bức thư gửi tới ông Friedrich Merz, người chuẩn bị nhậm chức Thủ tướng Đức vào tháng 5 tới và lãnh đạo một chính phủ liên minh gồm các đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD).
Máy bay chiến đấu Typhoon của quân đội Đức. Ảnh: Eurofighter
Yêu cầu gây sốc của Ukraine
Yêu cầu của Ukraine bao gồm 45 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon, 30 máy bay Tornado, 25 trực thăng NH90, 15 trực thăng Eurocopter Tiger, 100 xe tăng Leopard 2, 150 tên lửa hành trình Taurus cùng với nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến khác.
Bên cạnh đó, ông Melnyk cũng kêu gọi Đức dành 0,5% GDP của nước này, khoảng 86 tỷ euro (tương đương 98 tỷ USD) đến năm 2029, để hỗ trợ nhu cầu quân sự của Ukraine. Yêu cầu chưa từng có này, được coi là phép thử đối với cam kết của Đức đối với Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga đã bước sang năm thứ 4. Đề nghị của Kiev cũng làm dấy lên những câu hỏi về sự đoàn kết của NATO, khả năng quân sự của Đức và tương lai an ninh châu Âu.
Đề nghị trên được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lâu nay bị chỉ trích vì cách tiếp cận thận trọng trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt là dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz. Ông Scholz đã nhiều lần từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, viện lý do lo ngại căng thẳng leo thang.
Trong khi đó, ông Merz lại tỏ ra sẵn sàng cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine nếu điều này được thực hiện phối hợp với các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, yêu cầu mà ông Melnyk không chỉ dừng lại ở tên lửa, mà còn đề xuất Berlin chuyển giao một lượng tài sản quân sự lớn để có thể làm thay đổi cục diện chiến trường ở Ukraine. Nhưng đề nghị này cũng có thể thay đổi toàn bộ khả năng của Bundeswehr.
Thách thức cả về chính trị và hậu cần
Yêu cầu táo bạo của ông Melnyk đặc biệt chú trọng vào máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon – một loại máy bay phản lực đa nhiệm hai động cơ, do một liên minh các quốc gia châu Âu phát triển, bao gồm Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha.
Eurofighter được sử dụng trong không quân Đức từ năm 2004, là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tấn công không đối không và không đối đất với tốc độ tối đa Mach 2 và bán kính chiến đấu vượt quá 1.600 km.
Hiện tại, không quân Đức sở hữu khoảng 138 chiếc Eurofighter. Con số 45 chiếc chiếm một phần quan trọng đối với cả năng lực chiến đấu cũng như kho dự trữ của họ. Việc chuyển nhượng một số lượng lớn như vậy sẽ không chỉ vấp phải các vấn đề về chính trị ở Đức, mà còn đòi hỏi một cuộc cải cách hậu cần sâu rộng ở Ukraine vì không quân của Kiev chủ yếu được đào tạo trên các máy bay MiG-29 và Su-27 từ thời Liên Xô, thiếu hạ tầng và nhân lực để vận hành và bảo dưỡng các loại máy bay chiến đấu hiện đại này.
Mặc dù Eurofighter có những khả năng vượt trội, như khả năng cơ động cao hơn so với máy bay Su-35 của Nga và khả năng kết nối cảm biến, nhưng việc Ukraine tiếp nhận và vận hành các máy bay này sẽ gặp phải không ít thách thức. Để vận hành những chiếc Eurofighter, Ukraine sẽ cần đào tạo phi công, đội ngũ bảo trì và một chuỗi cung ứng linh kiện và đạn dược rất tốn kém, điều mà Kiev, sau hơn 3 năm xung đột, không có đủ năng lực để đảm bảo.
So với các nền tảng cũ hơn như máy bay Tornado (có từ những năm 1970), Eurofighter đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ thuật và hạ tầng lớn hơn rất nhiều. Việc tích hợp các máy bay này vào lực lượng không quân Ukraine sẽ là một quá trình dài và phức tạp, có thể làm giảm tác dụng của việc chuyển giao nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ các đồng minh NATO.
Danh sách vũ khí gây tranh cãi
Ngoài Eurofighter, ông Melnyk còn yêu cầu một loạt các thiết bị quân sự khác, bao gồm 30 máy bay Tornado – được thiết kế cho các cuộc tấn công ở độ cao thấp, 25 trực thăng vận tải NH90, 15 trực thăng tấn công Eurocopter Tiger, 100 xe tăng Leopard 2, 115 xe chiến đấu bộ binh Puma, 130 xe bọc thép Marder, 130 xe bọc thép GTK Boxer, 300 xe vận tải Fuchs và 20 hệ thống phóng rocket đa nòng MARS-II, tương đương với HIMARS của Mỹ.
Việc yêu cầu cung cấp 150 tên lửa Taurus, có tầm bắn 500 km và tính năng tàng hình, là một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Đức đã trở thành nước viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ, với khoảng 28 tỷ euro, bao gồm các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 và Leopard 2, hệ thống phòng không IRIS-T và pháo phòng không Gepard. Mặc dù vậy, Đức vẫn giữ thái độ thận trọng trong việc cung cấp một số hệ thống vũ khí, đặc biệt là tên lửa Taurus.
Chính phủ của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz đã từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine vì lo ngại nó có thể làm leo thang xung đột và gây ra sự phản đối gay gắt trong nội bộ nước Đức. Ông Scholz cũng cho rằng việc cung cấp Taurus có thể khiến Đức bị coi là một bên tham chiến nếu Ukraine sử dụng loại tên lửa này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Quan điểm của đảng SPD và ông Scholz này trái ngược với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) vốn ủng hộ việc chuyển giao Taurus ngay lập tức cho Ukraine.
Trong chuyến thăm Kiev vào tháng 12/2024, ông Merz đã chỉ trích sự thận trọng của Thủ tướng Scholz, tuyên bố rằng: “Chúng tôi muốn quân đội của các bạn có khả năng tấn công vào các căn cứ quân sự của Nga, không phải dân thường hay cơ sở hạ tầng, mà là các mục tiêu quân sự - nơi Nga tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine”.
Phép thử đối với Đức và NATO
Lập trường cởi mở hơn của ông Merz về việc cung cấp tên lửa Taurus, nếu được thực hiện phối hợp với các đồng minh châu Âu, sẽ tạo ra sự khác biệt rõ rệt so với lập trường của Thủ tướng Scholz.
Dù vậy, yêu cầu của Ukraine đặt ông Merz vào một tình thế khó xử về mặt chính trị. Liên minh CDU/CSU-SPD, được hình thành sau cuộc bầu cử ngày 23/2/2025, vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Ông Merz, người đã giành được 28,5% số phiếu bầu, cam kết sẽ củng cố khả năng phòng thủ của Đức và hỗ trợ Ukraine, đồng thời duy trì sự ổn định tài chính.
Tuy nhiên, đảng SPD dưới sự lãnh đạo của ông Lars Klingbeil vẫn tỏ ra thận trọng. Nhiều thành viên SPD phản đối việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine vì lo ngại căng thẳng leo thang.
Các nhà phân tích cho rằng, những yêu cầu mà Ukraine đưa ra không chỉ đơn giản là để nhận viện trợ mà còn là một phép thử đối với lãnh đạo mới của Đức và sự gắn kết của NATO. Nếu Đức đồng ý, dù chỉ là một phần, điều này có thể tạo ra làn sóng tăng cường viện trợ từ các quốc gia NATO khác, củng cố cam kết của liên minh đối với Ukraine.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Bulgarian Military, RT