Ukraine khóa van đường ống trung chuyển khí đốt cuối cùng từ Nga sang châu Âu

Ukraine khóa van đường ống trung chuyển khí đốt cuối cùng từ Nga sang châu Âu
3 ngày trướcBài gốc
Theo New York Times, đường ống khí đốt tự nhiên cuối cùng từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine bị khóa sau khi Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận với Moskva. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu qua Ukraine, vốn duy trì trong gần 6 thập kỷ (từ thời Liên Xô), chấm dứt vào ngày 1/1/2025, với sự sụp đổ của hợp đồng trung chuyển giữa Nga và Ukraine.
Hệ thống đường ống khí đốt này từng mang lại doanh thu hàng tỷ USD cho Moskva hàng tỷ USD mỗi năm và giúp Ukraine nhận được phí quá cảnh.
Cũng theo New York Times, việc Ukraine không gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt với Nga được xem là cách ngăn chặn Moskva có nguồn thu tài chính để tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.
Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu qua Ukraine, vốn duy trì trong gần 6 thập kỷ (từ thời Liên Xô) chính thức chấm dứt vào ngày 1/1/2025. (Ảnh: New York Times)
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko cho biết trong một tuyên bố rằng “Nga đang mất thị trường, họ sẽ phải chịu tổn thất về tài chính. Đây là sự kiện lịch sử”.
Ngay từ đầu tháng 12/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố sẽ đóng cửa các đường ống khí đốt trung chuyển từ Nga bất chấp các mối đe dọa trả đũa, bao gồm cả từ Slovakia và Hungary, hai quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga.
Trong một tuyên bố chính thức về vấn đề này, Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom xác nhận rằng công ty này không còn vận chuyển khí đốt từ đồng bằng Siberia qua đường ống ở Ukraine đến phần còn lại của châu Âu.
Hiện tại, Áo, Hungary, Slovakia và một số nước Balkan vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga được cung cấp qua Ukraine. Các chuyên gia cho biết khí đốt trong các cơ sở lưu trữ và nguồn cung cấp thay thế sẽ ngăn chặn mọi sự gián đoạn tức thời về điện và hệ thống sưởi ấm ở các quốc gia này.
Tình hình đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng đối với Moldova, quốc gia giáp biên giới với Ukraine. Nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày để ứng phó với việc cắt giảm khí đốt của Nga. Tại thủ đô Chisinau, một số người dân đã bày tỏ nỗi sợ hãi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Ảnh hưởng của việc hủy bỏ thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga-Ukraine đối với thị trường toàn cầu có vẻ hạn chế, nhưng lại làm nổi bật những căng thẳng về năng lượng địa chính trị đang diễn ra và tác động kinh tế đối với châu Âu.
Gần 1/3 lượng khí đốt của Nga bán cho châu Âu được vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine, phần còn lại được vận chuyển qua đường ống dưới Biển Đen đến Bulgaria, Serbia và Hungary hoặc bằng các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên dữ liệu từ công ty điều hành OGTSU của Ukraine cho thấy lượng khí đốt được giao qua điểm nhập khẩu duy nhất của Nga vào Ukraine đã giảm xuống mức 0 tính đến ngày 1/1/2025.
Mặc dù Liên minh Châu Âu đã tăng gấp đôi nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào năm 2022 bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế, nhưng một số quốc gia Đông Âu vẫn trông cậy vào Moscow để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của họ.
Trà Khánh (Nguồn: The New York Times)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/ukraine-khoa-van-duong-ong-trung-chuyen-khi-dot-cuoi-cung-tu-nga-sang-chau-au-ar917628.html