Ukraine ngạc nhiên với ý tưởng của Belarus, hội nghị hòa bình thứ 2 liệu có tương lai?

Ukraine ngạc nhiên với ý tưởng của Belarus, hội nghị hòa bình thứ 2 liệu có tương lai?
8 giờ trướcBài gốc
Trụ sở Bộ Ngoại giao Ukraine ở thủ đô Kiev. (Nguồn: Flickr)
Trước đó một ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Belarus Yury Ambrazevich cho biết, Minsk rất mong muốn tham gia các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai về Ukraine và các thỏa thuận cuối cùng cần tính đến các lợi ích của Belarus.
Lưu ý rằng Minsk đã thực hiện các bước để ngăn leo thang bạo lực ở Ukraine ngay từ khi bắt đầu xảy ra xung đột, ông Ambrazevich nhấn mạnh: "Hơn ai hết, Belarus quan tâm đến việc giải quyết xung đột một cách hòa bình càng sớm càng tốt".
Theo New Voice of Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cáo buộc Belarus đã là một bên tham gia cùng với Nga trong xung đột ở Ukraine, đồng thời bày tỏ "ngạc nhiên" trước ý tưởng của Minsk.
Cùng ngày 17/12, Ngoại trưởng Thụy Sỹ Ignazio Cassis xác nhận, nước này đang tích cực phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) để tổ chức hội nghị hòa bình thứ hai về Ukraine.
Tờ Le Temps dẫn lời ông Cassis cho hay, các tín hiệu từ Mỹ và Tổng thống đắc cử Donald Trump "truyền cảm hứng cho sự lạc quan thận trọng".
Trước đó, trong hai ngày 15-16/6/2024, Thụy Sỹ đã tổ chức hội nghị cấp cao về Ukraine tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở ngoại ô Lucerne. Đại diện từ hơn 90 quốc gia tham dự sự kiện này, trong đó một nửa đến từ châu Âu.
Nga không nhận được lời mời, nhưng Bộ Ngoại giao nước này cho biết họ cũng sẽ không tham dự hội nghị ngay cả khi được mời.
Thông cáo chung sau hội nghị kêu gọi Nga trả lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cho Ukraine, cho phép tiếp cận thương mại đến các cảng ở Biển Đen, Biển Azov và trao trả đầy đủ tù binh.
Armenia, Bahrain, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Libya, Mexico, Saudi Arabia, Nam Phi, Thái Lan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) không ký tuyên bố cuối cùng, còn Iraq và Jordan đã rút lại chữ ký.
Moscow nhiều lần nhấn mạnh Nga không từ chối giải quyết xung đột với Ukraine thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt ra các điều kiện tiên quyết để giải quyết tình hình ở Ukraine, bao gồm việc Kiev rút quân khỏi Donbass và Novorossiya, đồng thời từ bỏ kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Moscow cũng yêu cầu tất cả các biện pháp trừng phạt của phương Tây phải được dỡ bỏ và tình trạng phi liên minh, phi hạt nhân của Ukraine phải được bảo đảm. Tuy nhiên, Kiev đã từ chối các điều kiện này.
Bảo Minh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/ukraine-ngac-nhien-voi-y-tuong-cua-belarus-hoi-nghi-hoa-binh-thu-2-lieu-co-tuong-lai-297769.html