Ukraine tập kích 'rồng lửa' S-300 ngay trên đất Nga

Ukraine tập kích 'rồng lửa' S-300 ngay trên đất Nga
2 ngày trướcBài gốc
Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 21/7 tuyên bố "tiếp tục làm suy yếu năng lực quân sự của Nga", bằng loạt cuộc tập kích thành công nhằm vào nhiều địa điểm khác nhau.
"Hỏa lực tầm xa đã được sử dụng để đánh trúng hệ thống phòng không S-300P tại tỉnh Belgorod của Nga, làm giảm đáng kể năng lực phòng không tầm xa của Nga ở khu vực", thông báo có đoạn.
Cơ quan này cho biết thêm rằng lực lượng Ukraine còn tập kích trúng một đài radar Nebo-M ở Belgorod, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực vận hành của hệ thống, cũng như làm suy giảm khả năng hoạt động của radar 5N66M gần đó.
Một tài khoản mạng xã hội ủng hộ Ukraine cho rằng phương tiện bị nổ là radar điều khiển hỏa lực 92N6E của tổ hợp S-400, bên cạnh là hai xe chở máy phát điện.
Video đăng kèm cho thấy một số thành phần của tổ hợp phòng không Nga triển khai ở vị trí trống trải, đằng xa là hai bệ phóng tên lửa. Vụ nổ bùng lên ở vị trí đài radar ngoài cùng bên trái, khiến một quân nhân chạy đến gần để kiểm tra tình hình.
Bộ tư lệnh không quân Ukraine không nói đã sử dụng vũ khí nào trong các cuộc tập kích, song các tài khoản X ủng hộ Kiev nhận định đây là đòn tấn công bằng pháo phản lực HIMARS.
Hiện Nga chưa bình luận về thông tin được phía Ukraine đưa ra liên quan tới tổ hợp phòng không S-300.
S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa hiện đang do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.
Liên Xô triển khai hệ thống này lần đầu năm 1979 nhằm bảo vệ các cơ sở công nghiệp, hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận của nước này.
S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km.
S-300 được quảng bá là sở hữu sức mạnh ngăn chặn được cả chiến đấu cơ tàng hình.
"S-300 là hệ thống phòng không hàng đầu của Nga", ông Robert Hewson, cây bút từ tạp chí quốc phòng IHS Janes từng bình luận.
"Đây là hệ thống phòng thủ đủ khả năng bắn hạ bất kỳ loại tên lửa hay mẫu chiến đấu cơ tiên tiến nào", ông nhấn mạnh.
Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 mục tiêu trong số đó.
Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.
Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt quá trình sử dụng.
Quy trình hoạt động cơ bản của một hệ thống S-300 gồm 4 bước. Đầu tiên, các radar giám sát tầm xa xác định mục tiêu và chuyển tiếp thông tin về các xe chỉ huy để tiến hành đánh giá, phân tích.
Sau khi xác nhận mục tiêu, xe chỉ huy truyền lệnh bắn tới radar điều hướng. Khi tiểu đoàn ở vị trí tốt nhất nhận được lệnh bắn này, họ lập tức khai hỏa tên lửa đất đối không.
Radar điều hướng giúp dẫn tên lửa tới chính xác mục tiêu cần tiêu diệt.
S-300 có nhiều phiên bản nâng cấp được trang bị những loại tên lửa, radar khác nhau với khả năng chống các phương pháp tấn công điện tử tốt hơn, tầm bắn xa hơn và ứng phó với nhiều tình huống hơn.
Hiện có ba biến thể chính gồm: S-300V, S-300P và S-300F. Mỗi biến thể lại chia ra nhiều loại với từng tính năng riêng biệt.
Theo nhận định từ các chiến lược gia quân sự Nga, S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không đa năng "bất khả chiến bại".
Tuy vậy trong cuộc xung đột Đông Âu đang diễn ra, S-300 Nga không thực sự được đánh giá cao khi đối phó với tên lửa chiến thuật Mỹ cấp cho Ukraine.
Việt Hùng
Theo RBC Ukraine, Militarnyi
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/ukraine-tap-kich-rong-lua-s-300-ngay-tren-dat-nga-post618483.antd