Một đơn vị máy bay không người lái nổi tiếng của Ukraine cho biết họ đã phát triển cách thức để chống lại một loại vũ khí ngày càng nguy hiểm của Nga - máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) sử dụng sợi cáp quang thay vì sóng vô tuyến để kết nối với bộ điều khiển, khiến chúng khó bị gây nhiễu.
UAV sợi quang là công nghệ mới trong xung đột Nga-Ukraine, sử dụng cáp quang để truyền tín hiệu, chống nhiễu hiệu quả trong môi trường tác chiến điện tử. (Ảnh: UNITED24 Media)
Lữ đoàn Magyar Birds của Ukraine tuyên bố, họ đã thiết kế một hệ thống sử dụng radar di động để cung cấp cảnh báo sớm về máy bay không người lái FPV đang bay tới cách xa vài km. Khi phát hiện ra mối đe dọa, đơn vị này sẽ phóng UAV để chặn máy bay không người lái của Nga trước khi chúng tiếp cận mục tiêu.
Chỉ huy của lữ đoàn, ông Robert Brovdi, người có biệt danh "Magyar", tuyên bố: “Lữ đoàn đã tìm ra phương thức đầu tiên để phát hiện và tiêu diệt máy bay không người lái dẫn đường bằng sợi quang của Nga”.
Video do ông Brovdi đăng tải trên Telegram cho thấy, một máy bay không người lái của Lữ đoàn Magyar Birds phá hủy UAV FPV dẫn đường bằng sợi quang của Nga. Đáng chú ý, UAV Nga có một sợi dây cực kỳ mỏng nhưng chắc chắn kết nối với bộ điều khiển, khiến nó trở thành một loại vũ khí rất khó đối phó trên chiến trường. Thông tin liên lạc của chúng không bị suy giảm khi bay thấp trên mặt đất hoặc khi bay trong các tòa nhà. Chúng cũng có thể săn tìm mục tiêu chỉ cách mặt đất vài mét và xâm nhập vào các khu vực kín trong trường hợp cáp dữ liệu của chúng vẫn còn nguyên vẹn.
Dù dành nhiều lời khen ngợi cho hệ thống mới, nhưng chỉ huy Brovdi không nêu rõ loại radar di động nào mà Lữ đoàn Magyar Birds đang sử dụng. Theo giới phân tích, nhiều khả năng đây là hệ thống radar vi sóng, giống như hệ thống hoạt động ở băng tần Ku để chống máy bay không người lái. Bước sóng ngắn của radar được tối ưu hóa để phát hiện máy bay không người lái nhỏ, di chuyển tương đối chậm. Nhược điểm là chúng có phạm vi rất hạn chế, chỉ đo được trong một vài mét.
Các cảm biến của radar rất nhạy khi phát hiện và theo dõi máy bay không người lái, nhưng chúng không cung cấp nhiều cảnh báo sớm và UAV có thể di chuyển ra khỏi phạm vi phát hiện của chúng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu một trong những radar này được đưa ra mặt trận, nó có thể phát hiện các UAV FPV đang bay tới trên một khu vực nhất định và xác định vị trí của chúng.
Hệ thống radar mà Lữ đoàn Magyar Birds phát triển là một trong những biện pháp đối phó với UAV FPV mới nhất trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Theo chỉ huy Robert Brovdi, “quân đội Ukraine phải nhanh chóng trang bị các phiên bản radar di động sau mỗi 2-4 km tiền tuyến và triển khai UAV đánh chặn để tiêu diệt các UAV FPV sử dụng sợi cáp quang của đối phương”.
Loại radar này cũng có thể có nhu cầu sử dụng lớn trên toàn cầu khi mối đe dọa từ máy bay không người lái bùng nổ. Chúng giúp cung cấp thông tin về hoạt động của máy bay không người lái xung quanh các căn cứ quân sự và các cơ sở quan trọng khác.
Với việc Ukraine đang chiến đấu trên một mặt trận dài khoảng 1.000km, hệ thống radar mới có thể được sử dụng như phương tiện phòng thủ để bảo vệ các khu vực quan trọng hoặc giúp mở đường cho những bước tiến hạn chế, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Vai trò của UAV FPV
Máy bay không người lái đã trở thành biểu tượng trong cuộc xung đột, phá hủy hiệu quả số lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự. Giờ đây, chúng có tầm quan trọng ngang ngửa với pháo binh truyền thống.
Các loại đạn như lựu đạn PG-7VL hoặc lựu đạn súng trường PGN, không đủ để xuyên thủng lớp giáp trước của xe tăng hiện đại. Chúng chỉ có hiệu quả khi tấn công vào những điểm yếu, chẳng hạn như nóc xe hoặc hệ thống pháo. Trong khi đó, máy bay không người lái cung cấp độ tấn công chính xác, gây hư hại đáng kể cho phương tiện, trong khi giúp tránh rủi ro đối với binh sỹ vận hành.
Tuy vậy, các loại UAV thông thường chủ yếu sử dụng tín hiệu vô tuyến khiến chúng dễ bị gây nhiễu. Hơn nữa, liên lạc vô tuyến cho phép đối phương xác định vị trí máy bay không người lái dựa trên phát xạ vô tuyến hoặc thậm chí chặn camera của UAV bằng các ứng dụng trực tuyến. Điều này đã dẫn đến việc tìm kiếm các giải pháp chống lại phương tiện gây nhiễu trong phạm vi từ vài chục đến vài trăm mét.
Một trong những giải pháp mà cả Nga và Ukraine áp dụng là chế tạo máy bay không người lái có thể thực hiện các cuộc tấn công hoàn toàn tự động ở khoảng cách xa, nhờ vào hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm và theo dõi mục tiêu. Hệ thống này kết nối với máy bay không người lái bằng sợi cáp quang.
Nhược điểm của UAV FPV sử dụng sợi cáp quang là có phạm vi hoạt động rất hạn chế, phụ thuộc vào kích thước của cuộn dây. Cuộn cáp quang tiêu chuẩn có chiều dài khoảng 10km, nhưng cũng có những cuộn có chiều dài 40m. Tuy vậy, cuộn dây cáp quang chiếm tải trọng khá lớn, khiến UAV bay chậm và kém cơ động hơn.
Một máy bay không người lái được điều khiển theo cách này không thể bị gây nhiễu, khiến các máy dò phát xạ vô tuyến trở nên không hiệu quả. Những máy bay không người lái như vậy có thể bay thấp mà không sợ mất tín hiệu và việc xác định vị trí của người vận hành trở nên khó khăn hơn nhiều. Điều này khiến máy bay không người lái cáp quang trở nên cực kỳ nguy hiểm. Về cơ bản, hình thức phòng thủ duy nhất chính là bắn hạ chúng.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo The War Zone