Phía Nga gần đây đã đưa ra một loạt điều kiện để chấm dứt xung đột, trong đó bao gồm yêu cầu thiết lập giới hạn về quy mô lực lượng vũ trang chính quy của Ukraine. Đáp lại, Kiev tuyên bố có thể “tăng thêm lực lượng” nếu cần. Trong một cuộc gặp báo chí hồi tháng 6, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng phát tín hiệu rằng Ukraine có thể cân nhắc thành lập các PMC của riêng mình.
“Tôi sẽ suy nghĩ về điều đó sau những tối hậu thư như vậy”, ông Zelensky nói, nhưng không nêu cụ thể khái niệm “lực lượng tư nhân” mà ông đề cập là gì, cũng như vai trò hay cơ sở pháp lý cần thiết.
Cựu binh Ukraine tham gia một cuộc huấn luyện tại Kiev, Ukraine, ngày 10/5/2025. Ảnh: Anadolu/Getty
Ông Andrii Osadchuk, nghị sĩ thuộc đảng Holos và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban thực thi pháp luật của Quốc hội Ukraine, cho biết ông “thận trọng ủng hộ” ý tưởng trên, song nói rằng đây vẫn là một khái niệm “trừu tượng” ở thời điểm hiện tại. Vai trò, phạm vi hoạt động, cơ chế giám sát và khuôn khổ pháp lý dành cho các PMC tại Ukraine vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Khoảng trống pháp lý
Những người ủng hộ cho rằng việc thành lập PMC có thể phục vụ cả mục tiêu đối nội và đối ngoại – từ giải quyết vấn đề việc làm cho cựu binh, đến mở rộng hiện diện và ảnh hưởng của Ukraine ra nước ngoài. Trong khi đó, phe phản đối cảnh báo rằng các lực lượng bán quân sự thường hoạt động trong “vùng xám pháp lý”, có thể trở thành mối đe dọa an ninh tiềm tàng.
Hiện tại, luật pháp Ukraine không cho phép thành lập PMC và cấm hình thành lực lượng vũ trang ngoài nhà nước. Dù vậy, một số tổ chức ở Ukraine vẫn tuyên bố mình là PMC trên thực tế và hoạt động trong khoảng trống pháp lý. Các tổ chức này chủ yếu cung cấp dịch vụ huấn luyện quân sự và bảo vệ an ninh, tránh tham chiến.
Omega Group – một công ty huấn luyện và tư vấn quân sự hoạt động theo hình thức trách nhiệm hữu hạn tại Ukraine – là một ví dụ. Từ năm 2011 đến 2022, công ty này hoạt động chủ yếu tại châu Phi, hiện đang cung cấp dịch vụ đào tạo chuyên biệt ở Algeria.
Theo các nghị sĩ, đã có những nỗ lực nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho PMC tại Ukraine. Tuy nhiên, các dự luật liên quan chưa được đưa ra thảo luận chính thức. Nghị sĩ Fedir Venislavskyi, thành viên Ủy ban Quốc phòng và Tình báo Ukraine, cho biết tinh thần chung trong Quốc hội là ủng hộ ban hành luật, song hiện vẫn chưa có đồng thuận về mặt ngôn ngữ và nội dung.
Ông Osadchuk cho rằng PMC chỉ nên được thành lập chính thức sau khi giai đoạn “nóng” của cuộc xung đột hiện nay kết thúc. Ông cũng lưu ý rằng ngay cả các quốc gia có PMC lâu năm như Mỹ hay Anh cũng thiếu một khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh hoạt động của các lực lượng này.
Tại Mỹ, không có đạo luật liên bang duy nhất điều chỉnh PMC, mà các quy định liên quan nằm rải rác trong nhiều luật và án lệ. Ở Anh, Đạo luật An ninh tư nhân chỉ áp dụng cho các dịch vụ bảo vệ trong nước, không có quy định về các PMC hoạt động ở nước ngoài.
Mở rộng ảnh hưởng của Ukraine?
PMC thường đảm nhiệm nhiều dịch vụ từ bảo vệ an ninh, hộ tống cho tới huấn luyện quân sự. Tại Ukraine, mô hình này có thể tạo điều kiện cho cựu binh tiếp tục đóng góp sau khi xuất ngũ. Ông Osadchuk xem đây là cơ hội để các cựu binh áp dụng kinh nghiệm chiến đấu vào công việc chuyên nghiệp, được trả lương hợp lý.
Bà Tetiana Kebkalo – Phó Giám đốc Omega Group – cho rằng các PMC có thể đảm nhiệm những nhiệm vụ như bảo vệ đại sứ quán hoặc hộ tống vận chuyển vũ khí – những công việc hiện do lực lượng nhà nước phụ trách. “Chúng ta có những chuyên gia được đào tạo tốt, và đây là cơ hội để Ukraine mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, châu Á…”
Theo nghị sĩ Halyna Yanchenko, các PMC có thể trở thành lực lượng dự bị quan trọng nếu Nga tấn công trở lại. Ukraine cũng có thể thu nguồn lực từ việc cung cấp dịch vụ huấn luyện và tư vấn quân sự cho các nước khác, dựa trên kinh nghiệm thực chiến.
“Hiện nay trên thế giới có nhu cầu lớn đối với các dịch vụ mà PMC cung cấp, từ bảo vệ cơ sở hạ tầng tới an ninh cá nhân. Nga đã rất tích cực trong lĩnh vực này từ trước khi xung đột bùng phát”, nghị sĩ Venislavskyi nhận định. Ông cũng cho rằng đây có thể trở thành công cụ giúp Ukraine mở rộng ảnh hưởng chính trị quốc tế.
Một số nghị sĩ đề xuất, nếu thành lập PMC, các lực lượng này nên được giám sát bởi các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Quốc phòng, Cảnh sát Quốc gia, cơ quan tình báo hoặc Lực lượng vũ trang – để tránh chồng lấn với hệ thống thực thi pháp luật hiện hành.
Các cơ quan chức năng của Ukraine như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về khả năng thành lập các công ty quân sự tư nhân. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và Cục Tình báo Quân đội (HUR) cũng không phản hồi đề nghị bình luận từ truyền thông.
Những lo ngại về an ninh
Nhiều người khi nhắc đến PMC đã liên tưởng tới các vấn đề an ninh từng xảy ra tại Ukraine trong thập niên 1990, khi nhiều công ty an ninh tư nhân bị chi phối bởi các nhóm tài phiệt hoặc tội phạm có tổ chức.
Một ví dụ là tiểu đoàn Dnipro-1, được thành lập dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ Ukraine và có liên hệ với các nhóm tài phiệt thân với ông Ihor Kolomoisky. Năm 2015, một nhóm vũ trang liên quan đến công ty an ninh tư nhân của Kolomoisky đã đột nhập trụ sở công ty dầu khí nhà nước Ukrnafta ở Kiev – nơi ông Kolomoisky sở hữu 40% cổ phần. Tổng thống khi đó là ông Petro Poroshenko đã lên án sự việc, tuyên bố “không có thống đốc nào được phép có quân đội riêng”.
Trên thế giới, danh tiếng của PMC cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều bê bối. Các công ty Mỹ như Blackwater (nay là Academi), DynCorp hay G4S của Anh từng bị cáo buộc liên quan đến giết người, xâm hại tình dục, buôn người và vi phạm nhân quyền.
Trường hợp nổi bật nhất là Tập đoàn Wagner của Nga – lực lượng từng tham chiến tại nhiều điểm nóng ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Wagner đóng vai trò then chốt trong chiến dịch của Nga tại thành phố Bakhmut (Ukraine), trước khi sụp đổ sau cuộc binh biến tháng 6/2023. Hai thủ lĩnh của nhóm – Yevgeny Prigozhin và Dmitry Utkin – thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay hai tháng sau đó.
Hiện phần lớn lực lượng còn lại của Wagner đã được sáp nhập vào Bộ Quốc phòng Nga, hoạt động dưới danh nghĩa “Quân đoàn châu Phi”. Đơn vị này đang hiện diện tại các quốc gia như Mali, Burkina Faso và Niger – nơi Moscow tìm cách mở rộng ảnh hưởng, thay thế vai trò của các lực lượng phương Tây.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Kyiv Independent, RT