Ứng dụng AI trong xây dựng: Từ giám sát tiến độ đến đảm bảo an toàn công trình

Ứng dụng AI trong xây dựng: Từ giám sát tiến độ đến đảm bảo an toàn công trình
5 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ, nếu người lao động không chủ động học hỏi, cập nhật công nghệ và trau dồi kỹ năng, nguy cơ bị tụt lại phía sau - thậm chí tự đào thải - là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tác động sâu rộng đến lao động và sản xuất
Kỹ sư Nguyễn Hùng Sơn - cán bộ kỹ thuật tại một tổng công ty xây lắp chuyên ngành - chia sẻ rằng đơn vị của anh đã bắt đầu ứng dụng AI từ cuối năm 2024. Việc sử dụng công cụ AI trong quản lý dự án và báo cáo tiến độ đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện các đầu việc. Mỗi kỹ sư đều lựa chọn công cụ phù hợp với nhu cầu công việc thực tế, mang lại hiệu quả khác nhau tùy lĩnh vực.
Ứng dụng Al sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động trong ngành xây dựng.
Tuy nhiên, anh Sơn cũng lưu ý: "Điều quan trọng nhất khi ứng dụng AI là đảm bảo bảo mật thông tin. Không phải nhà cung cấp nào cũng cam kết tuyệt đối về việc bảo vệ dữ liệu người dùng, và việc bị lạm dụng thông tin là rủi ro có thật".
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Đức Long (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) nhận định: "Việc ứng dụng AI vào các công việc truyền thống có thể giảm bớt nhu cầu lao động thủ công, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều công việc mới trong lĩnh vực kỹ thuật số". Tuy vậy, ông cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông hoặc kỹ năng trung bình.
Một ví dụ điển hình là hệ thống thị giác máy tính (Machine Vision) kết hợp AI và Deep Learning đang dần thay thế công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm trong các công trường xây dựng và nhà máy sản xuất. Hệ thống này không chỉ phát hiện lỗi mà còn phân loại lỗi theo mức độ nghiêm trọng và đưa ra cảnh báo chính xác. Với tốc độ xử lý tính bằng mili giây, hệ thống có thể vận hành liên tục 24/7 với độ chính xác gần như tuyệt đối - điều mà con người khó có thể đạt được.
Nhận thức được xu hướng này, Tổng công ty Viglacera - CTCP mới đây đã tổ chức khóa đào tạo "Ứng dụng AI trong công việc văn phòng". Khóa học giúp học viên nắm được khái niệm, nguyên lý cơ bản và xu hướng ứng dụng AI tại Việt Nam cũng như thế giới. Nội dung tập trung vào các công cụ thực tiễn như: Tìm kiếm thông tin, soạn thảo và tóm tắt văn bản, thiết kế slide tự động, lập kế hoạch công việc, phân tích và báo cáo dữ liệu, chuyển ngữ và tạo video tự động.
Theo ông Nguyễn Khang - chuyên gia công nghệ nhiều năm kinh nghiệm - nhờ các giải pháp AI tích hợp, ngành xây dựng giờ đây có thể đánh giá chất lượng công trình nhanh chóng và chính xác, giảm thiểu sai sót, nâng cao hiệu quả vận hành và đảm bảo an toàn lao động.
Việc quản lý chất lượng công trình sẽ được đơn giản và thuận tiện hơn nhờ AI.
AI và cuộc đua cạnh tranh toàn cầu
Theo dự báo của Gartner - một công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ - đến năm 2026, khoảng 80% doanh nghiệp toàn cầu sẽ áp dụng các tác nhân AI (AI Agents).
Điều này tạo ra lợi thế lớn cho các doanh nghiệp nắm vững bài toán ngành, có năng lực công nghệ và khả năng triển khai nhanh chóng.
Cơ hội cũng mở rộng cho người lao động, đặc biệt trong các vai trò như: kỹ sư AI, chuyên viên phân tích dữ liệu, phát triển ứng dụng AI hoặc tư vấn công nghệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính những lao động giàu kinh nghiệm trong ngành xây dựng - nếu nắm bắt sớm - có thể ứng dụng AI hiệu quả không kém gì thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh: Nếu người lao động Việt chớp lấy cơ hội học nhanh và làm chủ AI, họ hoàn toàn có thể cạnh tranh trực tiếp với nhân lực quốc tế. Nhưng nếu chậm chân, nguy cơ bị thay thế là rất cao. Bởi AI không phân biệt quốc tịch, ngôn ngữ hay văn hóa - ai kiểm soát được AI tốt hơn sẽ nắm quyền chủ động trên thị trường lao động toàn cầu.
Trong thực tế thi công, AI đang tạo ra những bước tiến vượt bậc: Từ phân tích dữ liệu lớn để dự đoán rủi ro, tối ưu hóa tài nguyên, cho đến cung cấp thông tin thời gian thực từ cảm biến, drone hay thiết bị đeo. Những thông tin này giúp người quản lý ra quyết định kịp thời, điều phối hiệu quả và đảm bảo dự án đúng tiến độ.
AI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát an toàn tại công trường. Các hệ thống cảnh báo sớm dựa trên AI có thể phát hiện nguy cơ tiềm ẩn, theo dõi hành vi công nhân và đề xuất biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu tai nạn lao động.
AI đang thay đổi toàn diện ngành xây dựng - từ khâu thiết kế, triển khai đến vận hành và bảo trì. Việt Nam không đứng ngoài xu hướng này. Trình độ tiếp cận công nghệ của người lao động Việt được các chuyên gia đánh giá là tương đương với quốc tế, nhưng yếu tố quyết định vẫn là tốc độ thích nghi và khả năng học hỏi.
Trong kỷ nguyên AI, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Người lao động cần chủ động cập nhật, doanh nghiệp cần chiến lược thích nghi linh hoạt - có như vậy, AI mới thực sự trở thành trợ thủ đắc lực, chứ không phải là mối đe dọa cho tương lai ngành xây dựng.
Lê Mỹ
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/ung-dung-ai-trong-xay-dung-tu-giam-sat-tien-do-den-dam-bao-an-toan-cong-trinh-192250712120948694.htm