Gần đây, các ứng dụng chỉnh sửa ảnh AI (trí tuệ nhân tạo) đang rộ lên trở lại, thu hút hàng triệu người dùng nhờ các tính năng mới như làm đẹp, trẻ hóa hay hoán đổi giới tính chỉ trong vài giây.
Tuy nhiên, người dùng ít để ý rằng khi tải ảnh lên những ứng dụng này, dữ liệu cá nhân có thể bị thu thập và sử dụng mà người dùng không hề hay biết. Nhiều ứng dụng còn yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ, camera, micro, thậm chí cả vị trí, tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin. Nếu không cẩn trọng, người dùng có thể vô tình trao dữ liệu của mình cho các nền tảng không rõ nguồn gốc, đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng hoặc rò rỉ thông tin.
Ứng dụng AI chỉnh sửa ảnh hoạt động ra sao?
Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh bằng AI hoạt động dựa trên công nghệ học sâu (deep learning), cho phép phân tích hình ảnh và áp dụng các bộ lọc hoặc hiệu ứng để thay đổi gương mặt theo yêu cầu người dùng. Những cái tên quen thuộc như FaceApp, Lensa AI, Remini, Meitu... và gần đây nhất là BeautyCam đã thu hút hàng triệu lượt tải xuống. Đặc biệt, BeautyCam đang tạo nên cơn sốt với trào lưu “váy hồng hai dây” lan truyền mạnh mẽ trên MXH.
BeautyCam sử dụng AI để nhận diện cơ thể, phân tích đặc điểm trên ảnh và tự động áp dụng trang phục ảo theo lựa chọn của người dùng. Chỉ sau vài giây xử lý, ứng dụng sẽ hiển thị kết quả, cho phép người dùng xem trước hình ảnh đã chỉnh sửa trước khi lưu về máy hoặc chia sẻ lên nền tảng cá nhân.
BeautyCam sử dụng AI để nhận diện cơ thể, phân tích đặc điểm trên ảnh và tự động áp dụng trang phục ảo theo lựa chọn của người dùng. Ảnh: TRẦN MINH
Tuy nhiên, để sử dụng các tính năng này, người dùng thường phải tải ảnh lên máy chủ của ứng dụng để AI xử lý. Đây chính là vấn đề đáng lo ngại: Một khi hình ảnh được tải lên, rất khó để kiểm soát chúng sẽ được lưu trữ và sử dụng như thế nào.
Một số ứng dụng còn yêu cầu người dùng cung cấp ảnh chân dung để sử dụng các tính năng chỉnh sửa, nhưng ít ai biết rằng những bức ảnh này có thể bị lưu trữ trên máy chủ mà không bị xóa ngay lập tức. Nguy hiểm hơn, có ứng dụng còn thu thập dữ liệu khuôn mặt mà không có sự kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể, năm 2019, FaceApp (ứng dụng nổi tiếng với khả năng trẻ hóa khuôn mặt) từng vướng vào tranh cãi khi bị cáo buộc lưu trữ hình ảnh người dùng trên máy chủ nước ngoài mà không có sự cho phép.
Không chỉ dừng lại ở việc thu thập ảnh, một số ứng dụng AI còn yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ, camera, micro, lịch sử vị trí hoặc thậm chí các tệp tin trên thiết bị. Điều này đặt ra nghi vấn liệu các ứng dụng có đang khai thác dữ liệu ngoài mục đích chỉnh sửa ảnh hay không. Khi đã cấp quyền, người dùng có thể vô tình để lộ thông tin cá nhân, bị theo dõi thói quen sử dụng điện thoại hoặc tệ hơn là dữ liệu bị bán cho bên thứ ba.
Biết rủi ro, nhưng vẫn dùng vì quá hấp dẫn
Chị HTT, ngụ quận 12, TP.HCM cho biết, chị không phải người quá đam mê chỉnh sửa ảnh, nhưng khi thấy trào lưu “váy hồng hai dây” trên mạng, chị cũng tò mò thử. Chỉ cần một bức ảnh chân dung, vài giây xử lý, ứng dụng đã tạo ra một tấm hình đẹp mắt, hợp xu hướng. Mọi người xung quanh cũng dùng, nên chị nghĩ: “Chắc không sao đâu!”.
Nhưng rồi tôi bắt đầu đọc được những cảnh báo về việc ứng dụng có thể thu thập dữ liệu, lưu trữ ảnh trên máy chủ mà mình không hề hay biết. Nhiều ứng dụng còn yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ, camera, micro, thậm chí cả vị trí. Khi nghĩ lại, tôi giật mình vì lúc tải ứng dụng, tôi đã bấm “đồng ý” mà chẳng đọc kỹ điều khoản nào. Giờ đây, tôi bắt đầu cẩn trọng hơn" - chị T nói.
Còn chị NT, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ: Tôi từng tải một ứng dụng chỉnh sửa ảnh AI để thử trào lưu trên mạng. Kết quả rất ấn tượng, nhưng sau đó, tôi chợt nhận ra ứng dụng yêu cầu quá nhiều quyền truy cập, từ danh bạ, camera đến vị trí. Dù biết có rủi ro, nhưng vẫn dùng vì tò mò và tiện lợi. Giờ tôi đã cẩn thận hơn, chỉ chọn những ứng dụng có chính sách rõ ràng và hạn chế tải lên ảnh cá nhân.
Nhiều ứng dụng có thể thu thập dữ liệu, lưu trữ ảnh trên máy chủ mà mình không hề hay biết. Nhiều ứng dụng còn yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ, camera, micro, thậm chí cả vị trí. Nếu không "đồng ý và tiếp tục" bạn sẽ không được sử dụng ứng dụng. Ảnh: TRẦN MINH
Bảo vệ dữ liệu cá nhân bắt đầu từ chính bạn
Trào lưu sử dụng ứng dụng (app) để tạo ra các hình ảnh gây cười hoặc độc đáo có thể ngay lập tức thu hút được người dùng. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là những ứng dụng kiểu này sẽ đòi hỏi quyền truy cập thư mục ảnh trên thiết bị. Đây là quyền hết sức nhạy cảm và nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân là rất cao.
Với sự phát triển của AI hiện nay thì hình ảnh là những dữ liệu rất giá trị. AI có thể cho biết một người là ai, sở thích thế nào, thường đi những đâu, thậm chí là quen với những ai.. chỉ thông qua các bức ảnh.
Do vậy, việc thu thập ảnh và bán lại cho các công ty khai thác, sử dụng dữ liệu là khá phổ biến. Hậu quả trước mắt có thể người dùng sẽ nhận nhiều quảng cáo, làm phiền. Lâu dài có thể ảnh bị lợi dụng để phục vụ các mục đích khác như lừa đảo, tống tiền.
Nếu không thực sự biết rõ về nguồn gốc xuất xứ của ứng dụng, bạn không nên tải về các ứng dụng kiểu này. Không gian mạng nguy hiểm, nhưng dữ liệu có bị lộ lọt hay không một phần do ý thức của chính bạn.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia
TRẦN MINH