Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
5 giờ trướcBài gốc
Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ dân ở xã Đông Sang đầu tư nhà lưới để sản xuất nông nghiệp.
Đến thăm HTX nông nghiệp Dũng Tiến ở xã Phiêng Luông, là một trong những đơn vị tiêu biểu ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở Mộc Châu. HTX luôn chú trọng tiêu chí an toàn, chất lượng, các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các khâu tưới nước, phun thuốc được tự động hóa 100% với công nghệ tưới phun sương, tưới nhỏ giọt. Các hộ thành viên của HTX đều có điện thoại thông minh để quản lý quá trình chăm sóc, cập nhật thông tin sản phẩm.
Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Dũng Tiến, cho biết: HTX hiện có hơn 25 ha rau, củ, quả; trong đó có 10 ha đạt chuẩn VietGAP, 5 ha rau củ quả trồng trong nhà kính, nhà lưới, hiện đang chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. Nông sản được đảm bảo chất lượng từ đầu vào, được chăm bón theo đúng quy trình, kỹ thuật. Sản phẩm đầu ra được quản lý bằng mã vạch truy xuất nguồn gốc, các thông tin về sản phẩm, như nơi trồng, thời gian thu hoạch được cập nhật đầy đủ; rau, củ được bảo quản trong kho lạnh trước khi vận chuyển; năng suất, chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao, giá trị canh tác đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm.
Hợp tác xã nông nghiệp Dũng Tiến, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, đầu tư hệ thống máy bón phân tự động trong nhà lưới.
Sau khi được đi tham quan, học hỏi các mô hình nông nghiệp an toàn trong nhà lưới tại xã Đông Sang, năm 2023, anh Mùi Văn Hợp, ở bản Đoàn Kết, xã Nà Mường, đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để chuyển đổi 600 m2 trồng lúa 1 vụ sang trồng cà chua trong nhà lưới, cùng hệ thống tưới phun tự động.
Anh Hợp cho biết: Trồng cà chua trong nhà lưới mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với trồng cà chua theo phương pháp truyền thống, nhưng sẽ giảm chi phí trong những vụ sau, đặc biệt ngăn ngừa được côn trùng, giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật và hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn. Năm nay, dự kiến gia đình tôi sẽ thu hơn 2 tấn quả, với giá bán 20.000 đồng/kg, thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ dân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mộc Châu đã phối hợp với các đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng toàn diện và đồng bộ các kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện theo hướng bền vững.
Nông dân xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, trồng cà chua trong nhà lưới.
Ngoài ra, các đơn vị, HTX, hộ sản xuất còn ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; công nghệ điều khiển tự động chế độ bón phân, tưới nước; sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; công nghệ phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng; sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, chăn nuôi tuần hoàn; công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa trong quá trình chăn nuôi; công nghệ vi sinh...
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp, HTX, nông dân triển khai ghi chép nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống tưới tự động, tem truy xuất nguồn gốc QR code... Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ năng thương mại điện tử; hỗ trợ tham gia gian hàng trực tuyến cho các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh trên địa bàn; đẩy mạnh công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản của Mộc Châu.
Tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách lớn về phát triển nông nghiệp, gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất đã từng bước nâng cao giá trị nông sản địa phương. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đến hết năm 2024 ước đạt gần 80 triệu đồng. Toàn huyện có 486 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho hơn 610 ha; 141 cơ sở đầu tư nhà kính, nhà lưới với diện tích hơn 100 ha; hơn 1.120 ha cây ăn quả, rau màu các loại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; 24 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; phát triển hơn 1.530 ha ngô sinh khối làm thức ăn cho bò sữa.
Có thể thấy, nhờ có các chính sách phát triển toàn diện, chú trọng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Mộc Châu trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Huy Thành
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-san-xuat-nong-nghiep-FwK7vXSNR.html