Ứng dụng công nghệ số để ngăn chặn hàng giả

Ứng dụng công nghệ số để ngăn chặn hàng giả
5 giờ trướcBài gốc
“Núp bóng” thương mại điện tử
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến, không chỉ xuất hiện ở các đô thị lớn mà còn lan sâu vào vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua các kênh thương mại điện tử. Các đối tượng vi phạm sử dụng bao bì tinh vi, gắn cả tem chống giả và tận dụng công nghệ cao để che mắt các “thượng đế”.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng tại Đà Nẵng đã kiểm tra 918 vụ việc, xử lý 867 trường hợp, thu nộp ngân sách trên 129 tỉ đồng, khởi tố 17 vụ với 19 đối tượng. Riêng trong tháng cao điểm (15/5 đến15/6), đã có 8 quyết định xử phạt, hầu hết các vụ vi phạm có mức phạt trên 100 triệu đồng.
Thương mại điện tử bùng nổ, khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp.
Hiện rất nhiều hàng giả, hàng nhái đang được tiêu thụ qua nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Các đối tượng không chỉ bán hàng mà còn tạo website giả mạo, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), để quảng bá sản phẩm giả. Hình thức phổ biến là bán hàng livestream, sử dụng tài khoản ẩn danh để rao bán hàng giả, lợi dụng chính sách giao hàng thu hộ để phân phối hàng vi phạm.
Một thủ đoạn mới là duy trì cùng lúc nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Khi bị phát hiện, đối tượng lập tức chuyển sang tài khoản khác, xóa dữ liệu giao dịch để tránh bị truy vết. Các giao dịch online diễn ra nhanh, khiến lực lượng chức năng khó xác minh, kiểm tra và xử lý. Hậu quả là thiệt hại kinh tế lớn và làm xói mòn niềm tin của thị trường.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chống hàng giả
Trước thách thức đó, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đang tăng cường ứng dụng công nghệ số nhằm nhận diện và xử lý các vi phạm. Ông Phạm Ngọc Sơn cho biết thêm, Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đang được giao xây dựng một ứng dụng AI giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật - hàng giả, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra và phòng chống gian lận thương mại.
Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đang tăng cường ứng dụng công nghệ số nhằm nhận diện và xử lý các vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái.
Cùng với đó, các giải pháp công nghệ khác như blockchain, tem chống giả tích hợp mã QR, phần mềm truy xuất nguồn gốc... cũng được khuyến khích triển khai. Đây là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu, chống lại sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để hiệu quả hơn, việc quản lý hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cần sự phối hợp liên ngành. Các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, đồng thời yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử tham gia sâu hơn vào quá trình giám sát, xử lý gian lận.
AI và Machine Learning đang được đề xuất áp dụng để phân tích dữ liệu giao dịch, đơn hàng, định vị GPS trong logistics nhằm phát hiện những bất thường như thao túng giá, che giấu doanh thu hay trốn thuế. Những công cụ này sẽ là “tai mắt” hữu hiệu cho cơ quan quản lý trong kỷ nguyên số.
Người tiêu dùng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nên lựa chọn các gian hàng chính hãng, trung tâm thương mại uy tín, trang web chính thức...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi xâm phạm. Các sàn thương mại điện tử, với vai trò là đơn vị trung gian, cần thể hiện trách nhiệm trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa và ngăn chặn hàng giả đến tay người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, ý thức cảnh giác là điều quan trọng. Người mua nên lựa chọn các gian hàng chính hãng, trung tâm thương mại uy tín, trang web chính thức hoặc đại lý ủy quyền. Cần tránh mua hàng từ những nền tảng không rõ nguồn gốc, không bị cuốn theo các chiêu trò khuyến mãi bất thường như giảm giá sốc hay mua hàng “thanh lý tồn kho”...
Có thể nói, trong bối cảnh thị trường chuyển dịch mạnh sang môi trường số, việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, kiểm tra và giám sát hàng hóa là tất yếu. Đó không chỉ là biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại mà còn là hướng đi bền vững để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế…
Nghi Lộc
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/ung-dung-cong-nghe-so-de-ngan-chan-hang-gia-167043.html