Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành một nhu cầu tất yếu đối với mọi quốc gia và ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực hành chính công. Việc số hóa quản lý dữ liệu hành chính không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn đòi hỏi tính minh bạch, an toàn và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong hệ thống quản lý hiện nay.
Một trong những thách thức cấp bách nhất chính là tình trạng làm giả giấy tờ hành chính như giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy khám sức khỏe, văn bằng/chứng nhận, căn cước công dân…
Ảnh minh họa
Những hành vi này gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với an ninh, trật tự xã hội, làm suy giảm lòng tin của người dân và ảnh hưởng đến tính minh bạch trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc quản lý theo phương thức truyền thống gặp nhiều hạn chế trong việc phát hiện và ngăn chặn gian lận, đòi hỏi phải có sự đổi mới mạnh mẽ bằng các công nghệ tiên tiến.
Trước thực trạng này, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý và xác thực thông tin là giải pháp cấp thiết nhằm ngăn chặn gian lận, nâng cao hiệu quả hành chính và bảo vệ quyền lợi của người dân. Công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)… đang mở ra những hướng đi mới trong việc xác thực và lưu trữ dữ liệu một cách an toàn, minh bạch và không thể giả mạo. Đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một hệ thống hành chính công hiện đại, tin cậy và hiệu quả.
Là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển hạ tầng số, TP.HCM đã và đang khẳng định là địa phương tiên phong trong việc thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ cũng như thành tựu của xu hướng chuyển đổi số, vào nhiều hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân và đơn vị, trong đó có công tác quản lý nhà nước và các hoạt động nội nghiệp có liên quan.
Những năm gần đây, TP.HCM chủ động vận hành hệ thống phần mềm liên thông văn bản dùng chung cho toàn thành phố, nhằm nâng cấp hệ thống liên thông văn bản, giúp việc gửi và nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản trở nên dễ dàng hơn.
Việc triển khai liên thông văn bản điện tử đã mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý các hoạt động quản lý nhà nước của thành phố, bao gồm sự thuận lợi và nhanh chóng hơn trong việc tổng hợp, thu thập và các quản lý góp ý văn bản dự thảo giữa các cơ quan nhà nước và giữa nhà nước và người dân.
Đồng thời, điều này giảm thiểu chi phí gửi văn bản thông qua các phương tiện truyền thống như văn bản giấy; cũng giúp cho việc theo dõi và giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của UBND TP trở nên sát sao và có hệ thống hơn. Trong đó sự duy trì hệ thống liên thông văn bản điện tử được xem như một trọng điểm quan trọng đối với kế hoạch này.
Đối với công tác tổng hợp, thu thập và quản lý góp ý văn bản, tốc độ xử lý văn bản trên môi trường số là một trong những yếu tố rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian xử lý và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực chính thức.
Do đó, việc tích hợp các công nghệ 4.0 để cải tiến vấn đề này là rất cần thiết. Blockchain nổi lên trong những năm gần đây với bản chất là công nghệ lưu trữ dữ liệu theo cách phân tán, minh bạch, được đánh giá là “chìa khóa vàng” trong chuyển đổi số khi có thể ứng dụng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, tiết kiệm nguồn nhân lực và cắt giảm những quy trình phức tạp.
Nhờ khả năng đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, blockchain cũng là một trong những công nghệ hàng đầu cho công cuộc xây dựng đô thị thông minh, góp phần tăng cường sức mạnh của cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp tiếp nhận, xử lý và chia dữ liệu giữa các cấp, các đơn vị một cách hiệu quả.
Với những đặc tính ưu việt như tính minh bạch, bảo mật cao và khả năng truy vết dữ liệu chính xác, blockchain có thể giúp tối ưu hóa quy trình lấy ý kiến điện tử, đảm bảo tính khách quan và nâng cao hiệu quả xử lý thông tin. Hệ thống lấy ý kiến tích hợp blockchain không chỉ giúp đơn giản hóa quy trình thu thập và tổng hợp ý kiến mà còn góp phần tăng cường độ tin cậy giữa các cơ quan quản lý và người dân.
Nhờ vào khả năng lưu trữ và xác thực thông tin trên nền tảng blockchain, các đóng góp ý kiến sẽ được ghi nhận một cách chính xác, không thể bị chỉnh sửa hay thay đổi tùy tiện và có thể truy vết từ đó giúp đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.
Trong bối cảnh TP.HCM đang đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, thì việc chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là blockchain, vào công tác lấy ý kiến về văn bản quy phạm pháp luật mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Việc ứng dụng công nghệ blockchain vào hệ thống lấy ý kiến điện tử tại TP.HCM không chỉ góp phần nâng cao tính minh bạch, xác thực và hiệu quả trong quản lý góp ý văn bản hành chính, mà còn thể hiện quyết tâm của thành phố trong thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Giải pháp này phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Kế hoạch chuyển đổi số TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về cải cách hành chính, chính phủ số.
Nguyễn Tuyết