Ung thư tuyến giáp nên kiêng gì?

Ung thư tuyến giáp nên kiêng gì?
17 giờ trướcBài gốc
Người bệnh ung thư tuyến giáp có thể cần kiêng ăn một số thực phẩm nhằm mục đích kiểm soát sự hấp thụ i-ốt. I-ốt chính là thành phần quan trọng để sản xuất hormon giáp. Tiêu thụ quá ít hoặc dư thừa i-ốt đều làm tăng nguy cơ tái phát ung thư tuyến giáp. Do đó, việc kiểm soát sự hấp thụ i-ốt từ chế độ ăn là đặc biệt quan trọng. Trong một số trường hợp, hạn chế tiêu thụ i-ốt có thể giúp nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị bằng i-ốt phóng xạ sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp.
Những người bị ung thư sau phẫu thuật thường được tiếp tục điều trị bằng thuốc hoặc phóng xạ. Những phương pháp này có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nhạt miệng, khó nuốt, khó tiêu. Việc ăn kiêng và chọn lọc thực phẩm khoa học có thể giúp giảm bớt những tác dụng phụ này và tăng cường sức khỏe cho người bệnh.
Người bệnh ung thư tuyến giáp có thể gặp rối loạn chức năng giáp, gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể và dẫn đến tăng hoặc giảm cân không mong muốn. Việc ăn kiêng giúp kiểm soát cân nặng; ngăn ngừa biến chứng tim mạch, tiểu đường và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Người bệnh nên kiêng các loại rau họ cải như cải xoăn, củ cải, bông cải xanh… vì những loại rau này chứa nhiều Isothiocyanates.
Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, việc hạn chế ăn thực phẩm kém lành mạnh giúp cơ thể kiểm soát viêm và hỗ trợ vết thương nhanh lành.
Người bệnh ung thư tuyến giáp cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng như sau:
Hạn chế ăn nhiều chất xơ và đường
Tuy chất xơ rất có lợi cho đường tiêu hóa nhưng chỉ nên duy trì ở mức hợp lý khi mắc bệnh tuyến giáp. Vì khi tiêu thụ quá nhiều chất xơ sẽ khiến quá trình hấp thụ thuốc của cơ thể không hiệu quả. Người bệnh không nên loại bỏ hoàn toàn thực phẩm chứa chất xơ mà cần ăn với mức độ vừa đủ. Ngay cả đường hay chất tạo ngọt cũng vậy.
Khi tuyến giáp bị suy giảm chức năng chuyển hóa đường thành năng lượng cũng sẽ ảnh hưởng, khiến người bệnh ung thư tuyến giáp dễ tăng cân, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp.
Kiêng rượu bia
Hấp thụ cồn trong rượu bia có thể khiến gan bị viêm. Trong khi đó, gan là cơ quan chịu trách nhiệm chuyển hóa hormone giáp T4 (thyroxine) thành hormone T3 (triiodothyronine). Vì thế, tiêu thụ rượu bia gián tiếp gây rối loạn sự cân bằng hormone của tuyến giáp, ảnh hưởng đến cân nặng và quá trình trao đổi chất.
Đặc biệt, nếu người bệnh đang sử dụng thuốc để điều trị ung thư tuyến giáp, tiêu thụ cồn có thể tương tác với thuốc và làm giảm hiệu quả điều trị. Mặt khác, rượu bia cũng có thể gây kích ứng cho dạ dày và thực quản, gây khó khăn trong việc tiêu hóa – một vấn đề thường gặp ở người bệnh ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật và xạ trị. Do đó, người bệnh ung thư tuyến giáp kiêng ăn thực phẩm chứa cồn và rượu bia sẽ hỗ trợ quá trình điều trị và hồi phục diễn ra hiệu quả hơn.
Tránh ăn các món cay và chua
Sau phẫu thuật loại bỏ khối u tuyến giáp tuyến giáp kiêng ăn món ăn có vị cay và chua. Bởi lẽ, nhóm thực phẩm này thường kích thích niêm mạc hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản, ợ chua và tiêu chảy. Điều này là đặc biệt quan trọng khi người bệnh đang phải uống nhiều thuốc hoặc xạ trị sau phẫu thuật. Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chua cay có thể tạo thêm áp lực lên hệ tiêu hóa, gây khó khăn cho việc phục hồi và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Kiêng rau họ cải, sản phẩm đậu nành không lên men
Mặc dù các loại rau có màu xanh đậm rất tốt cho bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp. Tuy nhiên, người bệnh nên kiêng các loại rau họ cải như cải xoăn, củ cải, bông cải xanh… vì những loại rau này chứa nhiều Isothiocyanates.
Khi nạp quá nhiều Isothiocyanates (thường có tự nhiên trong thực vật được sản xuất bằng cách chuyển đổi enzym của các chất chuyển hóa được gọi là glucosinolate) vào cơ thể sẽ cản trở hoạt động của tuyến yên. Hạn chế hấp thụ i-ốt đặc biệt là khi ăn sống.
Đậu nành chưa lên men sẽ làm giảm sự hấp thụ i-ốt của cơ thể. Nếu người bệnh ung thư tuyến giáp sẽ bị mất cân bằng hormone hoặc rối loạn tuyến giáp thì cần hạn chế đậu nành, thậm chí là không nên ăn.
Các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ và sữa đậu nành có chứa một số hợp chất gây cản trở khả năng tái tạo hormone trong tuyến giáp. Nhưng trong trường hợp sử dụng đậu nành lên men sẽ rất tốt cho những người mắc bệnh tuyến giáp.
Một số lưu ý người bệnh chữa ung thư tuyến giáp đáng quan tâm như:
Không dùng thuốc điều trị suy giáp cùng lúc với thực phẩm giàu canxi như sữa hoặc các sản phẩm từ sữa, thuốc canxi. Như vậy sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, nên dùng tách biệt thuốc điều trị và sữa.
Các chất kích thích, cà phê và một số đồ uống có chứa caffein cũng là một nguyên nhân làm giảm tác dụng của thuốc điều trị tuyến giáp.
Chỉ có những tế bào ung thư tuyến giáp hấp thụ i-ốt thì chế độ ăn hạn chế i-ốt mới có tác dụng. Do đó, những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa gồm thể nhú và thể nang) và thể kém biệt hóa được chỉ định chế độ này. Còn chế độ ăn hạn chế i-ốt không hiệu quả với bệnh nhân ung thư tuyến giáp mất biệt hóa (giảm biệt hóa) và ung thư tuyến giáp thể tủy.
Chế độ ăn hạn chế i-ốt được chỉ định ở những bệnh nhân điều trị ung thư tuyến giáp và chẩn đoán bệnh tái phát. Phương pháp này được thực hiện tối đa 14 ngày trước khi điều trị và chụp xạ hình I-131 để chẩn đoán. Sau đó chế độ ăn hạn chế i-ốt tiếp tục kéo dài thêm từ 1-3 ngày. Như vậy, chế độ ăn hạn chế i-ốt không phải duy trì lâu dài ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp.
Khi có thắc mắc người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể nhất về chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc phù hợp khi mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
BS CKI Đỗ Văn Quyền
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ung-thu-tuyen-giap-nen-kieng-gi-169241226155725775.htm