Hành vi đáng lên án này là trường hợp cá biệt, nhưng không phải duy nhất. Đâu đó trong đời sống xã hội, thỉnh thoảng chúng ta lại chùng lòng chứng kiến việc một số người có công với nước bị “bỏ quên”.
Dịp này năm ngoái, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, một số cựu chiến binh cao niên từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã bị “bỏ quên”. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tình trạng này lại tái diễn. Một số cựu chiến binh phản ánh, họ không nhận được bất cứ lời mời, thăm hỏi, chúc mừng... nào!
Một cựu chiến binh cùng đông đảo bạn trẻ mang theo cờ đỏ sao vàng đón mừng Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: qdnd.vn
Tri ân người có công với nước là đạo lý của dân tộc, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Để xảy ra những chuyện buồn như trên, cần thấy rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ chức năng địa phương, đặc biệt là vai trò của các tổ chức gần dân. Thiếu sâu sát cơ sở, công tác triển khai, kiểm tra, đôn đốc chưa tốt chính là nguyên nhân của khuyết điểm này.
Đền ơn đáp nghĩa là sự nghiệp của nhiều thế hệ, nhưng công tác này sẽ có ý nghĩa hơn nếu được chú trọng thực hiện tốt vào những khi “nhân dịp”. Đại lễ 30-4 đã qua, nhưng vẫn còn trong “nhân dịp”. Sai thì sửa, thiếu sót thì bổ sung. Cấp ủy, chính quyền, cán bộ chức năng các địa phương cần rà soát, kiểm tra, bổ sung những chương trình, hoạt động tri ân cựu chiến binh, người có công tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nếu ở đâu để các bác bị “bỏ lại phía sau”, sẽ mang tội với lịch sử. Vật chất là chuyện nhỏ. Quan trọng nhất là thái độ ứng xử, tri ân và kính trọng bằng cả trái tim...
THANH KIM TÙNG