Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối Khách Hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 (lần thứ 5) - Vietnam Connect Forum 2025. (Ảnh: Việt Dũng)
Vào ngày 23/4, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) đã phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 (lần thứ 5) - Vietnam Connect Forum 2025, với chủ đề “Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới” tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối Khách Hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định trong bối cảnh những dịch chuyển sâu rộng đang tái định hình cục diện thương mại toàn cầu, Việt Nam không chỉ đang nổi lên như một điểm sáng về thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà còn là một trong những thị trường tiềm năng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế.
VIỆT NAM TRONG BỨC TRANH TĂNG TRƯỞNG CỦA ASEAN
Theo ông Lim Dyi Chang, kể từ sau đại dịch Covid-19, thế giới đã chứng kiến sự tái cấu trúc mạnh mẽ các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó các xu hướng như “tách rời” (decoupling), “giảm thiểu rủi ro” (de-risking), “tái nội địa hóa” (onshoring) và đa dạng hóa nguồn cung đang tạo ra những tác động sâu rộng đến cách thức các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xây dựng và triển khai chiến lược đầu tư.
Bên cạnh đó, những biến động về chính sách thương mại, thuế quan và tình hình địa chính trị phức tạp đang làm gia tăng áp lực lên các chuỗi sản xuất và thương mại toàn cầu. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những điểm đến đầu tư không chỉ có khả năng thích ứng nhanh, mà còn có thể phân tán rủi ro một cách hiệu quả và tạo ra triển vọng phát triển bền vững.
Với triển vọng dài hạn tích cực, ông Lim Dyi Chang cho rằng ASEAN vẫn giữ vững vị thế là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đặc biệt nổi bật với dân số trẻ, lực lượng lao động giàu kỹ năng công nghệ và mạng lưới thương mại nội khối ngày càng gắn kết.
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối Khách Hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị khu vực, kết nối các nền kinh tế ASEAN
“Trong đó, Việt Nam không chỉ nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, mà còn đóng vai trò là mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị khu vực, kết nối các nền kinh tế ASEAN”, ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh.
Để phát huy tối đa tiềm năng này, ông Lim Dyi Chang cho rằng Việt Nam cần chuyển mình từ một quốc gia tiếp nhận vốn đơn thuần thành một đối tác chiến lược, chủ động tạo ra giá trị.
“Đặc biệt, thành công của chiến lược FDI không chỉ được đo bằng lượng vốn thu hút, mà quan trọng hơn là hiệu quả mà dòng vốn đó mang lại, qua việc nâng cao năng lực ngành, phát triển cộng đồng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của khu vực”, ông chia sẻ.
YẾU TỐ THEN CHỐT GIÚP VIỆT NAM DUY TRÌ VỊ THẾ LÀ TRUNG TÂM THU HÚT FDI
Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, vì vậy, để giữ vững và phát triển vị trí là một trung tâm FDI, ông Lim Dyi Chang đề xuất rằng Việt Nam cần tập trung vào 7 yếu tố then chốt nhằm duy trì sự cạnh tranh và bền vững trong tương lai
Thứ nhất, ưu tiên phát triển hạ tầng hiện đại và đồng bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực logistics, năng lượng và kết nối số - nền tảng thiết yếu để bảo đảm hiệu quả vận hành và khả năng mở rộng của doanh nghiệp.
Thứ hai, duy trì môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và hiệu quả, từ đó góp phần củng cố lòng tin của nhà đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ ba, đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, tuân thủ quy định và thúc đẩy đổi mới sáng tạo - những yếu tố then chốt cho sức cạnh tranh dài hạn.
Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 (lần thứ 5) - Vietnam Connect Forum 2025, với chủ đề “Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới”
Thứ tư, cần duy trì hệ sinh thái tài chính mở và hiệu quả, hỗ trợ luân chuyển vốn, đáp ứng nhu cầu tài trợ đa dạng và thúc đẩy đổi mới tài chính.Thứ năm, phát triển tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, yếu tố này không chỉ thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn đóng vai trò quan trọng trong cung ứng lao động có kỹ năng cho Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ sáu, cam kết mạnh mẽ với phát triển bền vững và các tiêu chuẩn ESG, đây là yếu tố thiết yếu trong quyết định đầu tư của các định chế tài chính toàn cầu.
Cuối cùng, cần phát triển chính sách linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số, từ đó tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong một môi trường quản trị hiệu quả.
“Trong kỷ nguyên FDI mới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để vươn lên trở thành điểm đến đầu tư chiến lược, giá trị cao và sẵn sàng cho tương lai. Tuy nhiên, thành công không thể đến chỉ bằng các biện pháp xúc tiến hay cải cách chính sách. Đó còn là câu chuyện của nền tảng vững chắc của việc đầu tư vào hạ tầng, con người, niềm tin và sự chuyển đổi”, ông Lim Dyi Chang khẳng định.
Phương Nhi