Trà xanh không chỉ là thức uống giải khát quen thuộc mà còn được biết đến với khả năng hỗ trợ giảm huyết áp, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.
Trà xanh giúp giảm huyết áp như thế nào?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà xanh có khả năng làm giảm cả huyết áp tâm và huyết áp tâm trương.
Đối với người khỏe mạnh, trà xanh có thể giúp giảm huyết áp tâm thu khoảng 2,99 mmHg và huyết áp tâm trương khoảng 0,95 mmHg. Đặc biệt, tác dụng này có thể rõ rệt hơn ở những người đã có huyết áp cao, với mức giảm trung bình là 4,81 mmHg cho huyết áp tâm thu và 0,98 mmHg cho huyết áp tâm trương.
Việc giảm huyết áp chỉ 5mmHg có thể mang lại những lợi ích đáng kể, giảm 34% nguy cơ đột quỵ và 21% nguy cơ mắc bệnh tim.
Cơ chế tác động của trà xanh
Các nhà khoa học tin rằng khả năng giúp giảm huyết áp của trà xanh đến từ hàm lượng catechin dồi dào. Đây là các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ, đặc biệt là Epigallocatechin gallate (EGCG), có nhiều trong thực vật.
Catechin trong trà xanh được cho là tác động đến hệ tim mạch theo nhiều cách như bảo vệ chống oxy hóa, giảm viêm, ức chế hình thành cục máu đông, cải thiện chức năng nội mô, kích thích sản xuất oxit nitric.
Thời gian và liều lượng sử dụng
Chưa có một khung thời gian cụ thể nào được xác định để trà xanh phát huy tác dụng giảm huyết áp. Tuy nhiên, bằng chứng hiện có cho thấy bạn uống càng lâu, kết quả có thể càng tốt.
Về liều lượng, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được lượng trà xanh tối ưu để đạt được lợi ích về huyết áp và các sức khỏe khác. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã quan sát thấy kết quả ở những người uống từ nửa cốc đến hơn năm cốc mỗi ngày.
Đặc biệt, một nghiên cứu còn cho thấy những người uống hai tách trà xanh trở lên trong hơn 10 năm có huyết áp thấp hơn và giảm nguy cơ tử vong do tim mạch.
Trà xanh không caffeine có tác dụng tương tự?
Về mặt lý thuyết, trà xanh không chứa caffeine (một loại trà xanh đã khử caffeine) vẫn có thể mang lại tác dụng tương tự đối với huyết áp như trà xanh thông thường. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào so sánh trực tiếp hai loại này.
Tác dụng hạ huyết áp của trà xanh được cho là nhờ catechin, chứ không phải do caffeine. Mặc dù caffeine có liên quan đến việc làm tăng huyết áp, nhưng các nhà khoa học tin rằng hàm lượng catechin trong trà xanh tương đối cao hơn, do đó, tác dụng hạ huyết áp của trà xanh lớn hơn tác dụng tăng huyết áp của caffeine.
Một đánh giá đã so sánh các chất bổ sung chiết xuất trà xanh có chứa và không chứa caffeine và không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về tác dụng đối với huyết áp.
Tác dụng phụ và đối tượng cần lưu ý
Trà xanh nhìn chung là an toàn để uống. Tuy nhiên, do hàm lượng caffeine, một số người có thể gặp tác dụng phụ nhẹ khi uống quá nhiều như lo lắng, khó ngủ hoặc duy trì giấc ngủ, đau đầu, tim đập nhanh, buồn nôn và đau bụng…
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên hạn chế tiêu thụ trà xanh do hàm lượng caffeine.
PHƯƠNG LÊ
Theo VERYWELLHEALTH