Chỉ sau 2 năm hoạt động, nó đã ghi dấu ấn bằng loạt giải thưởng uy tín, bao gồm hai giải Hiệu quả chiến đấu “E”, hai giải An toàn hàng không “S”, cúp Battenberg cho tàu toàn diện nhất hạm đội Đại Tây Dương năm 2019, và gần đây nhất là giải thưởng chiến hạm Marjorie Sterrett lần thứ 2.
Tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Gerald R. Ford di chuyển song song với tàu tiếp dầu USNS Laramie (T-AO-203) trong một hoạt động tiếp nhiên liệu trên biển ở phía đông Địa Trung Hải - Ảnh: Reuters
Công nghệ đột phá
Theo tạp chí National Interest, công nghệ chủ đạo giúp Ford đạt được những vinh quang này chính là hệ thống phóng điện từ EMALS và hệ thống cáp hãm APG, vốn thay thế giải pháp hơi nước truyền thống. Việc kết hợp công nghệ này không chỉ rút ngắn thời gian phóng máy bay mà còn giúp giảm tải tổ máy và hao mòn thiết bị. Đây là bước tiến lớn trong việc tăng số lượt cất cánh của máy bay mỗi ngày và giảm số lượng thủy thủ phục vụ trên boong.
Không chỉ vậy, lò phản ứng hạt nhân A1B thế hệ mới trên Ford cung cấp lượng điện gấp đôi so với những lò A4W trước đây, đáp ứng nhu cầu vận hành radar và các hệ thống hỗ trợ chiến đấu hiện đại. Hệ thống radar hai băng tần DBR với khả năng quét nhanh và linh hoạt giúp tàu phát hiện, phân tích và theo dõi mục tiêu nhờ khả năng hoạt động ở cả hai băng tần X và S, tăng cường độ chính xác sau mỗi chuyến tuần tra.
Ford nổi bật nhờ hệ thống quản lý vũ khí tự động và khung hệ thống phòng thủ tự động SSDS, giúp kiểm soát khoang chứa đạn, giám sát hệ thống phòng ngự hạng mục không, bảo vệ tàu khỏi cuộc tấn công từ mọi hướng. Các chu trình tự động này giảm bớt đáng kể số lượng thủy thủ phải làm nhiệm vụ tại các vị trí nguy hiểm.
Các công nghệ như EMALS, AAG, radar băng tần kép, hệ thống SSDS và lò phản ứng A1B tạo ra lợi thế chiến lược bằng cách tăng khả năng phóng máy bay, giảm phụ thuộc vào số lượng nhân sự và chi phí duy trì, đồng thời cho phép tích hợp nhanh các hệ thống vũ khí mới như laser hay điện từ năng lượng cao.
Giải thưởng tiêu biểu
Giải thưởng Marjorie Sterrett mang ý nghĩa đặc biệt khi nó không chỉ vinh danh thành tích công tác mà còn gắn liền với lịch sử đầy cảm động. Nguồn gốc giải xuất phát từ sự đóng góp khiêm nhường của một cô bé 13 tuổi, Marjorie Sterrett, khi cô góp tiền tiêu vặt để xây dựng chiến hạm.
Tinh thần thiện nguyện ấy đã được lan tỏa rộng rãi và duy trì gần một thế kỷ. Giải thưởng hiện nay vinh danh tàu có hiệu quả chiến đấu ưu tú và hỗ trợ đời sống thủy thủ đoàn thông qua các chương trình tinh thần, sức khỏe và giải trí. Việc Ford giành giải lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 4 năm đi vào hoạt động cho thấy sự ưu tú và hiệu quả chiến lược.
Giải thưởng này được trao chỉ vài ngày sau khi tàu Ford rời cảng Norfolk theo lịch triển khai thường xuyên. Đại úy David Skarosi, chỉ huy tàu, bày tỏ niềm tự hào: “Thủy thủ trên tàu USS Gerald R. Ford đại diện cho những chiến binh được đào tạo tạo bài bản nhất của quốc gia chúng tôi. Tôi tự hào về sự chăm chỉ và tinh thần cống hiến của họ. Giải thưởng này hoàn toàn xứng đáng”. Phó đô đốc Michael Boyle, đại diện hải quân Mỹ, khẳng định tàu thể hiện “hiệu quả chiến đấu và sẵn sàng tác chiến tiêu biểu”.
Cúp Battenberg mà Ford đã giành được vào năm trước đánh dấu chiếc tàu này là con tàu toàn diện nhất trong hạm đội Đại Tây Dương. Vào thời điểm đó, Ford đã được điều động đến khu vực Trung Đông để ứng phó xung đột gia tăng tại Gaza. Hiện vẫn xuất hiện những dự đoán rằng nó có thể trở lại lực lượng chống leo thang tại khu vực này nếu tình hình giữa Israel và Iran có chuyển biến bất ổn.
Mặc dù không phải là một thiết giáp hạm, vốn là đối tượng truyền thống của giải thưởng Marjorie Sterrett, tàu Ford đã giành chiến thắng dựa vào bản chất chiến đấu và hiệu quả hệ thống. Trong số các tiêu chí đánh giá, sự chuẩn bị chiến đấu toàn diện ưu tiên hệ thống thông tin, hệ thống tự động và khả năng duy trì hoạt động đường dài như năng lực phóng máy bay, khả năng phòng thủ, nguồn năng lượng dự trữ và quy trình quản lý biên chế.
Tất nhiên, con tàu vẫn phải đối diện với các thách thức kỹ thuật như độ tin cậy của EMALS, chi phí bảo trì hệ thống điện cao áp và lò phản ứng hạt nhân phức tạp. Tuy nhiên, các giải thưởng liên tiếp từ năm 2023 đến đầu năm 2025 là minh chứng thuyết phục cho hiệu quả thực tế của các công nghệ tiên tiến này.
USS Gerald R. Ford (CVN-78) là tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Gerald R. Ford của hải quân Mỹ, được đưa vào hoạt động năm 2017. Đặt theo tên Tổng thống thứ 38 Gerald R. Ford, tàu có chiều dài 333m, lượng giãn nước khoảng 100.000 tấn, là một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới.
Trang bị lò phản ứng hạt nhân A1B, tàu đạt tốc độ trên 30 hải lý/giờ và có khả năng mang theo hơn 75 máy bay, gồm cả F-35C và máy bay không người lái.
Công nghệ tiên tiến như hệ thống phóng điện từ (EMALS) và hệ thống cáp hãm đà cải tiến (AAG) giúp tăng hiệu suất vận hành. Tàu được thiết kế với khả năng tàng hình, hệ thống radar hiện đại và sức chứa 4.600 thủy thủ. USS Gerald R. Ford đại diện cho bước tiến vượt bậc trong công nghệ hải quân, đảm bảo ưu thế chiến lược trên biển.
Hoàng Vũ