Không chỉ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, việc này còn góp phần hiện thực hóa định hướng phát triển không gian công nghiệp - đô thị mới tại khu vực phía Bắc tỉnh.
Tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, có tổng chiều dài 70 km, đi qua ba tỉnh, thành, trong đó đoạn qua Bình Dương dài khoảng 52 km. Đây là tuyến huyết mạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc không chỉ giúp giảm tải cho Quốc lộ 13 mà còn mở ra không gian phát triển mới cho khu vực phía Bắc của tỉnh, nơi đang được định hướng trở thành vùng động lực công nghiệp - đô thị mới.
Theo ghi nhận tại hai huyện Phú Giáo và Bàu Bàng, tinh thần xuyên suốt trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng là “quyết liệt - đồng bộ - hiệu quả”.
Tại huyện Phú Giáo, tiến độ thu hồi đất cho tuyến cao tốc đã đạt 95,5%, với hơn 1.100 hộ dân được chi trả bồi thường. Đối với tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, địa phương đã hoàn tất 100% việc bàn giao mặt bằng, đồng thời đang hoàn thiện các thủ tục chi trả cuối cùng để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trong khi đó, huyện Bàu Bàng cũng ghi nhận kết quả tích cực. Đến nay, chỉ còn hai trường hợp chưa hoàn tất chi trả trong khu vực tuyến cao tốc đi qua và một vướng mắc duy nhất liên quan đến trụ điện trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Dự kiến, các vấn đề này sẽ được giải quyết dứt điểm trong tháng tới.
Tại buổi làm việc vừa qua, nhiều ý kiến từ cơ sở cũng phản ánh một số khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là về xác minh nguồn gốc đất, xử lý các trường hợp vắng chủ hoặc không hợp tác. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự kiên trì vận động, thuyết phục của chính quyền cơ sở, việc tuyên truyền đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Người dân ngày càng hiểu rõ vai trò và lợi ích của các công trình giao thông trọng điểm, tự giác bàn giao mặt bằng để dự án sớm triển khai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Minh Thạnh biểu dương nỗ lực của hai các địa phương, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương trong việc xử lý vướng mắc theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra. Ông cho biết tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ bổ sung kinh phí cho các địa phương nếu phát sinh nhu cầu thực tế, đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Ban Quản lý dự án tỉnh tiếp tục bám sát địa bàn, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn.
Việc hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bình Dương trong việc đồng hành cùng Chính phủ và các nhà đầu tư chiến lược. Trên nền tảng hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ, tỉnh kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều dự án có chất lượng, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu công nghiệp và là điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng, với chiều dài toàn tuyến khoảng 70 km, trong đó đoạn qua Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 52 km, được quy hoạch với quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn 1 của dự án được triển khai theo hình thức đối tác công- tư (PPP) với quy mô 4 làn xe cao tốc, có làn dừng khẩn cấp liên tục toàn tuyến. Nền đường rộng 25,5 m, tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp hơn 8.833 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2027 sau 36 tháng thi công kể từ khi hợp đồng có hiệu lực.
Tuyến cao tốc này kết nối từ đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đến thị xã Chơn Thành (Bình Phước), mở rộng không gian đô thị và công nghiệp, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Nam bộ. Về lâu dài, khi tuyến cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa được hoàn thiện, mạng lưới cao tốc sẽ tiếp tục vươn tới khu vực Tây Nguyên, góp phần hình thành trục liên kết vùng chiến lược, thúc đẩy kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dự án cũng là một phần trong mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường cao tốc mà Đảng và Chính phủ đặt ra đến năm 2030.
Dương Chí Tưởng (TTXVN)