Một công sở dư thừa tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa bỏ hoang gây lãng phí. Ảnh minh họa: Nguyễn Nam/TTXVN
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh việc sắp xếp tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị đã diễn ra được một thời gian. Đối với việc sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính sẽ ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; có thể thực hiện bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng.
Bên cạnh đó, thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt, ưu tiên số một cho việc chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao....).
Ngoài ra, đối với các cơ sở nhà, đất còn lại sẽ được thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất;..., giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật...
Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc trên địa bàn đơn vị hành chính tổ chức lại thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công của các đơn vị theo quy định; trường hợp có diện tích trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công dôi dư thì thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương khác trên địa bàn quản lý, sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Về rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng, hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư chịu sự tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, ngày 14/4/2025, Bộ Tài chính đã có văn bản số 4738/BTC-TH hướng dẫn chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Để thực hiện tốt nội dung dung này, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tỉnh thành phố triển khai thực hiện Văn bản số 4738/BTC-TH, trong đó lưu ý nội dung tổng hợp, rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang triển khai xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất phương án xử lý với từng dự án (tiếp tục thực hiện, hoặc điều chỉnh dự án phù hợp với mục đích sử dụng) đảm bảo tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí; kịp thời báo cáo trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Tại phiên làm việc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Chính phủ, ngày 24/4, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến tháng 12/2024, số cơ sở nhà, đất của bộ, ngành, địa phương được duyệt phương án sắp xếp lại là 205.862, ngoài ra hơn 62.700 cơ sở chưa có phương án.
Lý giải về số lượng cơ sở nhà đất công chưa được xử lý còn nhiều, Bộ trưởng Thắng cho biết quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại. Số lượng các cơ sở nhà, đất của một số Bộ, ngành, địa phương chưa có phương án tương đối lớn, làm kéo dài thời gian.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích; trong đó có 3.780 cơ sở nhà đất đã có quyết định xử lý, số còn lại là hơn 7.200 nhà đất công chưa có phương án xử lý. Danh sách các cơ sở nhà đất này, tồn tại nhiều cơ sở giáo dục ở các nơi có sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện.
Thùy Dương (TTXVN)