Tại phiên thảo luận phát triển Đà Nẵng thành trung tâm vùng về logistics trong khuôn khổ Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics Thành phố Đà Nẵng" do UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/11, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Khu thương mại tự do Đà Nẵng không chỉ kỳ vọng tạo đột phá cho Đà Nẵng, mà là mô hình để sau này các địa phương khác có thể tổ chức triển khai. Để tạo ra sức hút, phải có đề xuất vượt khung, vượt trội, nhất là hiện nay nguồn hàng tại Đà Nẵng chưa phong phú”.
Bà Đào Thanh Hương - Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đối với dịch vụ logistics thì hạ tầng đóng một vai trò quan trọng để kết nối sản xuất, thương mại.
Theo bà Hương, khi nói đến cơ chế chính sách thu hút đầu tư Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phải phân định rõ ràng cơ chế chính sách trong và ngoài khu thương mại tự do.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Diễn đàn.
Đối với bên trong khu thương mại tự do, phải có cơ chế chính sách thu hút đầu tư vượt trội, chưa từng có trong tiền lệ. “Vấn đề này Thành phố Đà Nẵng phải mạnh dạn đề xuất đưa vào đề án xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng để trình Thủ tướng”, bà Đào Thanh Hương gợi ý.
Đối với cơ chế chính sách ngoài khu thương mại tự do, dù muốn hay không phải áp dụng chính sách chung hiện tại. Đối với cơ chế, chính sách thì quy trình thu hút đầu tư, quy trình dự toán ngân sách Đà Nẵng sẽ ưu tiên hạ tầng ngoài khu để kết nối. Các vị trí của Đà Nẵng liên quan khu thương mại tự do sẽ liên kết lại với nhau.
Đóng góp ý kiến để phát triển khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, TS. Trần Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay, mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi, và các trung tâm phân phối tiên tiến.
"Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do. Kinh nghiệm từ Singapore, với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại, quản lý bằng công nghệ số hóa, đã đưa quốc gia này thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực", TS. Trần Hồng Minh nói.
Theo TS. Trần Hồng Minh, đối với Đà Nẵng, các cảng Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Song song đó, phát triển các trung tâm logistics nội địa sẽ góp phần kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Đà Nẵng cũng cần đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao cho Khu thương mại tự do, thông qua việc xây dựng trung tâm đào tạo chuyên biệt, dành riêng cho các ngành công nghệ cao, logistics, và tài chính ngay trong khu vực thương mại tự do, trung tâm này sẽ cung cấp cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại để hỗ trợ đào tạo kỹ năng chuyên ngành.
TS. Trần Hồng Minh cho rằng đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt.
Ông Lê Quảng Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng biển Đà Nẵng cho rằng, giữa cảng biển và Khu thương mại tự do Đà Nẵng có sự gắn bó hữu cơ và sự phát triển đi liền với nhau.
Đối với Cảng Liên Chiểu trong tương lai, ông Đức đánh giá cần đảm bảo thủ tục thực sự tốt. Và đối với khu thương mại tự do, cần sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa; đặc biệt trong hoạt động hải quan, thời gian thông quan hải quan phải nhanh nhất, tốt hơn nữa không thể xảy ra tình trạng nghẽn số liệu, dừng vận hành thông quan.
Ông Lê Quảng Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng biển Đà Nẵng.
“Chúng ta phải xác định lợi thế so sánh của Đà Nẵng, Khu thương mại tự do của Đà Nẵng với các khu thương mại tự do lân cận, trên thế giới; từ đó phải phấn đấu, phải có lợi thế cạnh tranh hơn người ta thì các nhà đầu tư mới vào đây được”, ông Đức nói.
Ngoài ra, đại diện Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cũng đề cập cao vai trò của hạ tầng giao thông. Bởi khu thương mại tự do giải quyết 1 phần về hàng hóa, về lâu dài Cảng Liên Chiểu để phát triển tốt thì giao thông kết nối khu vực phải thực sự tốt. Khi Cảng Liên Chiểu phát triển tốt sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
PGS.TS Bùi Quang Bình - Đại diện tổ tư vấn xây dựng đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng thông tin, Khu thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng tạo động lực phát triển, mở rộng quy mô kinh tế TP. Đà Nẵng và tác động tới kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
PGS. TS Bùi Quang Bình cho rằng, tham vọng, mục tiêu đầu tiên của chúng ta đặt ra là tạo ra một cơ chế chưa từng có, một cơ chế phù hợp thông lệ quốc tế và tự do để thu hút đầu tư, phát triển. Những cơ chế của Nghị quyết 136 chỉ là bước đầu để xây dựng. Nghị quyết 136 cho phép xây dựng cơ chế đặc thù, thí điểm.
PGS.TS Bùi Quang Bình - Đại diện tổ tư vấn xây dựng đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng thông tin tại diễn đàn.
Trong cơ chế chính sách cho quy hoạch Khu thương mại tự do nên “mở”, bởi nếu “đóng” sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược, dễ rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”.
Được biết, Khu thương mại tự do Đà Nẵng có 3 phân khu chức năng chính: Sản xuất, logistics, thương mại - dịch vụ; với các ưu đãi thuận lợi về hải quan, được miễn thuế và tiền thuê đất theo chính sách đặc khu và được quản lý hiệu quả.
Tầm nhìn đến năm 2030, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ là khu vực phát triển năng động và có sức cạnh tranh cao trong Đông Nam Á. Đến năm 2040, Khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành điểm đến quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung tâm tăng trưởng của thành phố với trung tâm logistics và tái xuất khẩu quốc tế. Về dài hạn, hướng đến đưa Khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành khu vực có sức cạnh tranh trên thế giới, nâng tầm phát triển của cả nước.
Đà Nẵng đặt mục tiêu xây dựng Khu thương mại tự do trở thành mô hình tiên phong với thể chế ưu việt theo chuẩn quốc tế, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu trong các lĩnh vực ưu tiên. Mục tiêu phát triển, đến năm 2030, Khu thương mại tự do Đà Nẵng đóng góp trực tiếp từ 1 - 2% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trong đó, công nghiệp trong Khu thương mại tự do đóng góp 1,2%; thương mại - dịch vụ đóng góp 2,6%; thu hút khoảng 21.000 lao động.
Đến năm 2040, kinh tế từ Khu thương mại tự do sẽ đóng góp 9,5% GRDP Đà Nẵng (công nghiệp 8,8%; thương mại - dịch vụ 10,9%), thu hút khoảng 90.000 lao động. Đến năm 2050, Khu thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng đóng góp 17,9% GRDP Đà Nẵng (công nghiệp 13,2%; thương mại - dịch vụ 22,3%) và là nơi làm việc của 127.000 lao động.
Ông Bùi Quang Bình cho biết thêm, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ phát triển phức hợp đa chức năng theo mô hình “khu trong khu”. Mô hình này có sự kế thừa và tính toán theo điều kiện thực tế.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng định hướng ưu tiên phát triển 4 ngành, lĩnh vực gồm logistics, sản xuất, thương mại - dịch vụ, đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, vừa qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng - là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước. Việc phát triển mô hình các khu thương mại tự do sẽ là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Bộ Công Thương sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng các Bộ ngành, UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cũng như các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành logistics.
Hạ Vĩ