Tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Định Hóa góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Ảnh: V.D
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 1,4 triệu dân, trong đó gần 30% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống chủ yếu ở các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ. Trong khi khu vực phía Nam của tỉnh phát triển nhanh nhờ lợi thế về hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ thì vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu hụt về hạ tầng thiết yếu và những dịch vụ xã hội cơ bản.
Trước thực tế đó, tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (viết tắt là Chương trình MTQG 1719), với cam kết bố trí nguồn ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu là 10%. Trên thực tế, tỉnh đã chủ động thực hiện vượt mức đối ứng nhằm bảo đảm tiến độ và hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Từ năm 2021 đến nay, hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi ở các địa phương trong tỉnh. Các dự án cấp nước sinh hoạt, xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế... góp phần nâng cao điều kiện sống và phát triển sản xuất cho người dân miền núi, vùng cao.
Tuyến đường bê tông ở xóm người Mông Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, thông thương hàng hóa của bà con nhân dân.
Tại xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), nhờ nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, con đường trục chính đã được nâng cấp, mở rộng từ 2m lên 3,5m, với kinh phí 215 triệu đồng. Cùng với đó, công trình nước sinh hoạt tập trung được cải tạo, nâng cấp, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày.
Ông Dương Văn Vang, người dân xóm Lân Đăm: “Bà con người Mông rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm đầu tư. Các công trình đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo và cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống”.
Nhà văn hóa xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con người dân tộc Mông trong xóm.
Cùng với Lân Đăm, tại nhiều xóm, bản ở địa bàn miền núi, vùng cao tỉnh Thái Nguyên cũng đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư 518,8 tỷ đồng cho hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng DTTS, trong đó ngân sách địa phương đối ứng 67,8 tỷ đồng. Cùng với đó, gần 244 tỷ đồng đã được phân bổ để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, trong đó ngân sách tỉnh bố trí gần 32 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thái Nguyên đã thực hiện quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư với tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng; đầu tư 374,4 tỷ đồng để phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trong đó tỉnh đối ứng gần 49 tỷ đồng.
Các con số trên cho thấy nỗ lực vượt bậc của tỉnh Thái Nguyên trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS.
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Sở Dân tộc & Tôn giáo: Ngân sách địa phương bố trí cho các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 luôn đạt và vượt kế hoạch. Các công trình cấp nước sinh hoạt, hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Trẻ em người Mông xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) trong trang phục truyền thống vui hội Xuân Ất Tỵ 2025.
Không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng, Thái Nguyên còn đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng gấp đôi so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; giảm 50% số xã, xóm đặc biệt khó khăn; 96% người dân miền núi, vùng cao được sử dụng nước hợp vệ sinh; hoàn thiện hệ thống trường nội trú, bán trú; duy trì tỷ lệ 8% học sinh DTTS học tại trường phổ thông dân tộc nội trú...
Việc triển khai đồng bộ các mục tiêu trong Chương trình MTQG 1719 không chỉ nâng cao chất lượng sống, mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn chiến lược. Với quyết tâm cao và sự chỉ đạo sâu sát từ tỉnh đến cơ sở, Chương trình đang mang lại những đổi thay tích cực, tạo động lực mạnh mẽ cho vùng đồng bào DTTS trên hành trình phát triển bền vững, toàn diện.
Thu Hà