Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt tỉnh Lưu Thị Hà và Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu chủ trì hội nghị. Tham dự còn có trên 100 đại biểu là luật sư, luật gia, thành viên của MTTQ tỉnh tham dự.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà và Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Đ.Phú.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đóng góp trên 15 ý kiến về các nội dung, quy định tại Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên tinh thần thực tiễn, lý luận,trách nhiệm và quá trình nghiên cứu. Đa số các đại biểu đồng tình giữ nguyên quy định: Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND (khoản 2, Điều 115, Hiến pháp năm 2013). Đồng thời, kiến nghị bổ sung quy định cụ thể về cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các thành viên trực thuộc; mở rộng vai trò của MTTQ trong việc lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp ý kiến về hoạt động của đại biểu dân cử, đánh giá mức độ tín nhiệm, từ đó kiến nghị các hình thức xử lý phù hợp…
Đặc biệt, có ý kiến đề xuất Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần sửa đổi, bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam (Điều 10, Hiến pháp năm 2013) theo hướng khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Luật gia Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh Đ.Phú.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là hết sức quan trọng để tiếp tục khẳng định, hoàn thiện vai trò, vị trí pháp lý của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn mới, cũng như xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp gồm: tỉnh và xã…
Do đó, nhiều ý kiến đóng góp trách nhiệm, có thực tế, lý luận, khoa học của đại biểu đã giúp buổi tọa đàm đạt hiệu quả cao. MTTQ Việt Nam tỉnh cùng Hội Luật gia tỉnh sẽ tập hợp tất các ý kiến góp ý của đại biểu gửi đến cơ quan tiếp thu đề hoàn thiện dự thảo.
Đoàn Phú