Dự buổi làm việc có Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật; Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục và chỉ huy các cơ quan, đơn vị của Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật.
Theo báo cáo của Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục đã chỉ đạo tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược hậu cần, kỹ thuật, thực hiện tốt chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng liên quan đến tình trạng khẩn cấp. Tổng cục đã xây dựng và tổ chức tốt hoạt động hậu cần, kỹ thuật khu vực phòng thủ các cấp; nắm chắc khả năng và sẵn sàng huy động nền kinh tế quốc dân bảo đảm kịp thời cho các tình huống chiến tranh, thảm họa (nếu xảy ra).
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc.
Tham gia tốt nội dung hậu cần, kỹ thuật trong xây dựng Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng... Bảo đảm kịp thời hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ đột xuất; ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới ở địa bàn trọng điểm.
Tổng cục đã từng bước quy hoạch bố trí thế trận hậu cần, kỹ thuật, chuẩn bị tiềm lực hậu cần, kỹ thuật, kiện toàn tổ chức lực lượng phù hợp với yêu cầu thời bình và sẵn sàng chuyển sang bảo đảm thời chiến. Chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ điều chỉnh thế bố trí một số đơn vị, cơ sở công nghiệp hậu cần-kỹ thuật trên 3 miền và các trạm xăng dầu, cơ sở hậu cần-kỹ thuật trên đường Hồ Chí Minh; ưu tiên đầu tư xây dựng các kho dự trữ ở địa bàn trọng điểm, dễ chia cắt...
Tại hội nghị, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật cũng nêu rõ một số mặt còn khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai pháp luật về tình trạng khẩn cấp, như: Khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập về xử lý tình trạng khẩn cấp của các cấp, các ngành, trong đó cấp thẩm quyền chưa ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng địa phương đã ban hành văn bản hành chính hạn chế quyền công dân...
Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật phát biểu.
Pháp luật về tình trạng khẩn cấp còn thiếu các quy định thực thi hoặc chưa cụ thể về huy động nguồn lực; quy trình thủ tục mua sắm vật chất, trang bị nguồn ngân sách nhà nước trong điều kiện cấp bách nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Ví dụ cơ chế chỉ định thầu hay đấu thầu sản xuất lò thiêu... trong ứng phó dịch Covid-19 để đáp ứng yêu cầu cấp bách ứng phó dịch.
Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật cũng đề xuất với đoàn khảo sát và các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác hậu cần, kỹ thuật đồng bộ; ban hành các quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần, kỹ thuật bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ; chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với một số lĩnh vực đặc thù trong Quân đội, đặc biệt là lực lượng làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.
Quang cảnh buổi làm việc.
Đầu tư nâng cấp, mua sắm trang bị, phương tiện hậu cần, kỹ thuật; ưu tiên bảo đảm đủ vật chất, trang bị hậu cần, kỹ thuật dự trữ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống sự cố, thảm họa, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; đầu tư, phát huy nguồn lực hậu cần, kỹ thuật trong nước, không phụ thuộc vào hàng nhập khẩu...
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật đề xuất nghiên cứu, bổ sung quy định về các loại tình trạng khẩn cấp, gồm: Tình trạng khẩn cấp về thảm họa lớn, về dịch bệnh, về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Đề xuất Bộ Quốc phòng là đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tình trạng khẩn cấp vì cần có một cơ quan giúp Chính phủ đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc chấp hành quy định pháp luật về tình trạng khẩn cấp; nghiên cứu phát triển hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.
Tin, ảnh: MINH MẠNH