Đội quân UAV giá rẻ
Từ giữa năm 2024, Nga đã tung ra loại UAV đa chức năng có tên gọi là Gerbera. UAV này được sử dụng để trinh sát hoặc làm mồi nhử nhằm phát hiện hệ thống phòng không của đối phương khi chúng được kích hoạt, cũng như khi tấn công mục tiêu. Chúng có thể truyền video trở lại cho các nhà điều hành Nga, cung cấp thông tin để nhắm mục tiêu vào hệ thống tên lửa Patriot, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) hoặc các hệ thống phòng không nhỏ hơn.
Các nhà sản xuất Nga sử dụng các thành phần từ Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan và Thụy Sĩ để sản xuất UAV Gerbera tại một nhà máy ở Yelabuga, Cộng hòa Tatarstan, miền Trung nước Nga.
UAV Geran-2 (Shahed) của Nga bị bắn hạ ở tỉnh Vinnytsia (Ukraine) ngày 18/3/2024 Ảnh: Cảnh sát quốc gia Ukraine.
UAV Gerbera rẻ hơn mười lần so với UAV Shahed của Iran do sử dụng các vật liệu đơn giản như nhựa xốp hoặc ván ép. Ăng-ten chống nhiễu (CRPA) của UAV Gerbera chứa chip được lấy từ Analog Devices và Texas Instruments sản xuất tại Mỹ và Hà Lan. Bộ điều khiển bay cũng sử dụng các linh kiện do Texas Instruments, Atmel (Mỹ); STMicroelectronics, U-Blox (Thụy Sĩ); NXP Semiconductors (Hà Lan) và XLSEMI (Trung Quốc) sản xuất. Động cơ DLE60 do công ty Trung Quốc Mile Hao Xiang Technology Co., Ltd. cung cấp. Đến nay, các UAV Gerbera đang được trang bị đầu đạn phân mảnh nổ mạnh do Công ty sản xuất vũ khí Bazalt sản xuất và thuốc nổ KZ-6. Đầu đạn được kích hoạt bằng một kíp nổ được kết nối với bộ điều khiển bay thông qua rơ le trạng thái rắn RUICHI SSR-10DD.
Còn với mẫu UAV Geran vốn chiếm lĩnh chiến trường Ukraine trong hơn 2 năm qua, Nga cũng đang có nhiều cải tiến để phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, năm 2023, UAV Geran-2 đã ra đời trên nên tảng biến thể của UAV Shahed-136 do Iran sản xuất. Theo thỏa thuận được Nga và Iran ký kết từ năm 2022, cơ sở sản xuất UAV Geran-2 nằm trong Khu kinh tế đặc biệt Alabuga ở Tatarstan, đặt mục tiêu sản xuất 6.000 chiếc vào hè 2025.
Sự hợp tác này bao gồm việc Iran cung cấp các thành phần chính và chuyên môn kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất UAV. Những thay đổi của UAV Geran-2 gồm: thân máy bay được chế tạo từ sợi thủy tinh gia cố bằng sợi carbon dệt, thay thế cấu trúc tổ ong nhẹ trước đây. Thêm vào đó, mẫu UAV của Nga nổi bật với những nâng cấp đáng kể về mặt điện tử.
Về thiết kế, Geran-2 vẫn giữ nguyên đặc điểm cánh tam giác của Shahed-136 và các phiên bản gần đây đã được sơn đen để giảm tầm nhìn trong các hoạt động ban đêm. Mặc dù vẫn là tên lửa hành trình tương đối rẻ tiền và dễ bị nhắm mục tiêu bằng hệ thống phòng không song Geran-2 xuất sắc hơn trong việc áp đảo và làm kiệt sức các hệ thống phòng không của đối phương thông qua nhiều lần phóng đồng thời.
Về thông số kỹ thuật, Geran-2 dài 3,5m với sải cánh 2,5m; có trọng lượng cất cánh là 200kg và có thể mang đầu đạn nặng 50kg. Máy bay không người lái này hoạt động ở độ cao từ 60-4.000m với phạm vi bay tối đa là 2.000km. Được trang bị động cơ có công suất từ 50-90 mã lực, Geran-2 có thể đạt tốc độ lên tới 180km/h và duy trì chuyến bay trong tối đa 12 giờ.
Chưa hết, tờ Breaking Defense hồi cuối tháng 2 còn dẫn một nguồn tin từ Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine cho hay, từ đầu năm 2025, các chuyên gia Ukraine lại ghi nhận thêm một số thay đổi đáng kể trong các phiên bản UAV Geran-2 của Nga. Những thay đổi này gồm: một đầu đạn mới nặng 90kg; một bộ điều khiển bay, bộ phân phối điện và pin được di dời từ mũi đến phần đuôi; một khối chấn lưu bổ sung được tích hợp vào cấu trúc của UAV; một ăng-ten dẫn đường vệ tinh CRP tám kênh chống nhiễu với một loạt ăng-ten vá ngoại vi được sắp xếp theo hình tròn...
Để ghi lại và truyền cảnh quay mục tiêu về trung tâm chỉ huy, lực lượng Nga còn sử dụng các bot Telegram một lần, máy vi tính Raspberry Pi, webcam và modem 3G/LTE. Ngoài ra, Nga cũng đang thiết lập sản xuất UAV Geran-3 có động cơ phản lực cánh quạt đôi Tolou-10/13 nhỏ gọn, cho phép đạt tốc độ bay 550-600km/h và tầm bay 2.500 km.
Bóng ma Iskander
Iskander - tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật do Nga chế tạo, là loại tên lửa tự hành tàng hình, được áp dụng kỹ thuật plasma. Tức là nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện tích bao quanh quả đạn khiến cho các luồng sóng radar chiếu xạ nó bị hấp thụ và mất khả năng phản hồi. Với tầm hoạt động tối đa là 500km, độ chính xác cao, tên lửa Iskander có thể mang đầu đạn hạn nhân hoặc đầu đạn thường. Iskander có chiều dài 7,2m, đường kính thân đoạn lớn nhất là 0,95m và gồm phiên bản: Iskander-E (dùng cho xuất khẩu), Iskander-M (trang bị cho quân đội Nga).
Phiên bản Iskander-E có tầm bắn tối đa 280km, tối thiểu 50km và mang đầu đạn 480kg trong khi phiên bản Iskander-M có tầm bắn tối thiểu 500km và mang đầu đạn nặng 700kg. Một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M bao gồm 51 xe: 12 xe mang phóng; 12 xe tải vận chuyển hàng hóa; 11 xe chỉ huy và chở binh sĩ; 14 xe hậu cần vận chuyển đầu đạn, nhiên liệu tên lửa và phụ tùng thay thế; 1 xe kỹ thuật và bảo trì; 1 xe xử lý thông tin dẫn đường chính xác cho tên lửa và chuyên chở các thiết bị khác…
Iskander có khả năng tác chiến tốt trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ trong khoảng trên dưới 50°C; xe phóng có thể triển khai tại mọi địa hình như đồi núi, đồng bằng, đầm lầy, bãi bồi, cát lún hay băng tuyết. Mỗi quả tên lửa Iskander có vòng đời khoảng 10 năm (vòng đời cơ bản, chưa tính nâng cấp), hoạt động liên tục trong 3 năm mà không cần bảo dưỡng lớn.
Chưa hết, tên lửa Iskander được kết hợp nhiều phương thức dẫn đường và điều khiển như: dẫn đường bằng ảnh vệ tinh GPS/GLONASS và điều khiển quán tính trên đường bay. Khi dẫn đường và điều khiển bằng quán tính, sai số mục tiêu ở khoảng cách 280km là 30m; còn khi sử dụng điều khiển kết hợp cả định vị vệ tinh và quán tính, sai số chỉ khoảng 2m. Còn hệ thống định vị có khả năng liên kết thu thập các thông tin mục tiêu từ tất cả các phương tiện trinh sát trên không, mặt đất và vệ tinh. Thời gian để hệ thống triển khai chiến đấu chỉ mất 2 phút, và chỉ 10 giây sau khi phóng là nó đã hoàn tất các nội dung công việc phức tạp bao gồm: xác định điểm phóng; tính toán tham số đường bay; đầu dẫn quang học rà soát xong các thông tin địa hình, địa vật.
Hệ thống Iskander mới của Nga có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân và có thể phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình. Ảnh: Tass/Getty.
Một điểm đáng chú ý nữa là tên lửa Iskander có đầu đạn dạng chùm, đầu đạn mẹ chứa 54 đầu đạn con và có thể mang 10 loại đầu đạn khác nhau: đầu đạn nổ phá; đầu đạn xuyên thép để chống tăng - thiết giáp; đầu đạn cassette có lắp các bộ phận tự tìm mục tiêu để chống xe tăng; đầu đạn xuyên boong ke, hầm ngầm; đầu đạn nhiệt áp chống bộ binh; đầu đạn xung điện từ... Không chỉ có tầm bắn xa và độ chính xác cao, Iskander còn có khả năng tàng hình để tăng khả năng xuyên qua hệ thống phòng không của đối phương.
Ngoài lớp sơn phủ bên ngoài bằng vật liệu phức hợp đặc biệt, Iskander còn có kết cấu ngoại hình rất độc đáo: sau khi phóng, nó nhanh chóng vứt bỏ các bộ phận lồi ra bên ngoài như: mấu, móc, khớp (để kết nối cơ học với hệ thống phóng) làm cho tên lửa tròn nhẵn hơn, giảm diện tích phản xạ sóng radar khiến cho các loại radar của đối phương gặp khó khăn trong việc phát hiện. Ở phiên bản Iskander-K, tổ hợp được trang bị hai tên lửa hành trình tầm xa 3M-54 Klub, cho phép tiêu diệt không chỉ những cơ sở hạ tầng trên mặt đất của đối phương mà còn cả những mục tiêu trên biển ở cự ly tới 2.500km.
Năm 2020, một phiên bản mới của Iskander được thử nghiệm với đầu dẫn kiểu mới kết hợp với khả năng thay đổi quỹ đạo bay giúp đánh trúng các mục tiêu đang di động như: tàu chiến, các đội hình tăng - thiết giáp đang hoạt động (các tên lửa đạn đạo kiểu cũ chỉ đánh trúng được mục tiêu cố định). Theo tính toán, 1 tên lửa nặng 3 tấn, bổ nhào xuống mục tiêu với vận tốc 2,1km/giây như Iskander sẽ tạo ra động năng đạt tương đương sức nổ của 2,8 tấn thuốc nổ TNT. Với sức mạnh động năng này, chỉ cần 1 quả Iskander trúng đích cũng có thể bẻ gãy đôi hoặc làm hư hại nặng cả 1 tàu sân bay cỡ lớn, ngay cả khi đầu đạn của nó chưa phát nổ.
Huyền Chi