Mắt kính thông minh cho người khiếm thị

Mắt kính thông minh cho người khiếm thị
một ngày trướcBài gốc
Nhóm tác giả Anh Hào, Quốc Huy và Mẫn Nhi tại Lễ trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
Thấu hiểu trước những khó khăn, vất vả và nhiều rủi ro tiềm ẩn của người khiếm thị trong cuộc sống, sinh hoạt, nhất là khi di chuyển trên đường, nhóm tác giả Anh Hào, Quốc Huy và Mẫn Nhi đã dành thời gian gần 2 năm để nghiên cứu tạo ra thiết bị “Mắt kính thông minh cho người khiếm thị”.
Thiết bị mắt kính thông minh này có cấu tạo bao gồm: (1) Bộ điều khiển cầm tay và mắt kính được kết nối qua dây; (2) Mắt kính được thiết kế gồm các chi tiết: Cảm biến khoảng cách, camera, micro, mạch âm thanh kèm loa hoặc tai nghe và động cơ rung.
Trong đó, bộ điều khiển cầm tay gồm: Pin, nút nhấn, công tắc nguồn, máy tính Raspberry Pi Zero và mạch sim. Bộ điều khiển cầm tay với vỏ bằng nhựa được in bằng công nghệ 3D để người sử dụng có thể cầm tay hoặc đeo vào túi. Trong bộ điều khiển cầm tay có máy tính Raspberry Pi Zero được trang bị các nút nhấn bằng chấm nổi theo dạng chữ Braille để người khiếm thị dễ phân biệt và thuận tiện trong sử dụng.
Chức năng chính của “Mắt kính thông minh cho người khiếm thị” là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thị giác máy tính hỗ trợ một số tính năng cần thiết cho người khiếm thị. Trong đó, có trợ lý ảo và trả về kết quả bằng giọng nói tiếng Việt qua tai nghe. Hỗ trợ việc thu các tín hiệu khoảng cách và phát ra các tín hiệu xúc giác từ bộ rung động giúp người khiếm thị phát hiện loại vật cản và tìm cách tránh chúng từ không gian trước mặt.
“Mắt kính thông minh cho người khiếm thị” của nhóm tác giả Anh Hào, Quốc Huy và Mẫn Nhi sáng tạo ra được trao giải Ba - Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp bộ, ngành Trung ương tổ chức và đoạt giải Nhì - Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ 4 (năm 2021) do Tỉnh đoàn Lâm Đồng tổ chức.
Với chức năng đọc văn bản, khi người khiếm thị nhìn vào bất cứ vật thể nào có văn bản, thiết bị sẽ xử lý và đọc văn bản qua tai nghe, hỗ trợ người khiếm thị nắm bắt thông tin. Về nhận dạng tiền mặt, thiết bị có thể nhận dạng tất cả các tờ tiền Việt Nam đồng (điều kiện là tờ tiền không được gấp lại), giúp người khiếm thị thực hiện giao dịch, mua bán được thuận lợi. Ngoài ra, trợ lý ảo có thể hỗ trợ người khiếm thị tra cứu thông tin thời tiết, thông tin trên Internet, thông tin về thời gian, thực hiện các phép tính, bật/tắt các thiết bị điện trong gia đình...
Đặc biệt, khi người khiếm thị sử dụng kính và hướng đến khu vực có chữ trong không gian xung quanh, camera sẽ chụp ảnh, nhận dạng văn bản và chuyển thành giọng nói, giúp họ có thể hình dung một phần không gian hiện hữu.
Thiết bị “Mắt kính thông minh cho người khiếm thị” hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, được các thành viên của Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh dùng thử nghiệm và đánh giá cao về hiệu quả, tính năng sử dụng.
Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng nhận xét, mắt kính thông minh do nhóm tác giả Anh Hào, Quốc Huy và Mẫn Nhi tạo ra đã góp phần giải quyết những khó khăn, vất vả của người khiếm thị.
Thiết bị này có chức năng như “trợ lý đặc biệt”, giúp người khiếm thị có thể sinh hoạt, đi lại, tiếp cận thông tin… ở mức tối thiểu so với người sáng mắt. Qua đó, giúp họ có thêm niềm tin, động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Em Mẫn Nhi phấn khởi cho biết, giải pháp sáng tạo của nhóm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu nhà đầu tư Singapore tài trợ chi phí sản xuất giá trị 15.000 USD từ Chương trình Techfest Connect 2021, giải pháp này cũng thuộc 22 ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo (năm 2020, 2021) được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và hỗ trợ kinh phí triển khai theo “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025”. Đồng thời, được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng giới thiệu công trình sáng tạo khoa học và công nghệ để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.
Trong thời gian tới, nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu, khắc phục một số hạn chế của thiết bị “Mắt kính thông minh cho người khiếm thị” như khi hoạt động, do phải truyền dữ liệu liên tục nên pin nhanh hết, làm giảm thời gian sử dụng. Đồng thời, nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, tổ chức từ thiện... để sản xuất mắt kính với số lượng lớn phục vụ người khiếm thị.
VĂN XĨ - LONG GIANG
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/khoa-hoc-doi-song/202504/mat-kinh-thong-minh-cho-nguoi-khiem-thi-1039684/