Lời giải cho mô hình tăng trưởng mới của Đà Nẵng
Chiều 15/4, Hội Y học Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch thành phố tổ chức hội thảo Phát triển du lịch y tế Đà Nẵng.
Tại hội thảo, bà Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, chia sẻ, du lịch y tế đã được thành phố quan tâm triển khai trong thời gian qua, tuy nhiên cần định vị rõ vai trò của y tế trong du lịch và ngược lại – để du lịch y tế thật sự trở thành một động lực kinh tế mới.
Bà Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.
Sự phát triển của du lịch y tế không chỉ đơn thuần là phục vụ người bệnh, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút dòng khách có khả năng chi trả cao. Đà Nẵng đã vạch ra lộ trình bài bản cho giai đoạn 2025–2030 và tầm nhìn đến 2050 trong việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch y tế vững mạnh.
Theo bà Thủy, du lịch y tế không chỉ giới hạn ở điều trị bệnh mà còn bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện như: khám tổng quát, nha khoa, thẩm mỹ, y học cổ truyền, hỗ trợ sinh sản, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Sự giao thoa giữa "du lịch y tế" và "du lịch sức khỏe" mở ra một không gian mới để phục vụ cả người bệnh lẫn người khỏe mạnh – những ai đang tìm kiếm sự hồi phục thể chất lẫn tinh thần.
Đặc biệt, nhóm đối tượng kiều bào trở về quê hương khám chữa bệnh là một minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn của loại hình này, họ tìm thấy sự thân thiện trong văn hóa, ngôn ngữ, chi phí và cảm giác yên tâm khi điều trị tại quê nhà.
Đà Nẵng hiện có 29 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa (gồm công lập và tư nhân), hàng loạt phòng khám hiện đại và hệ thống nhà thuốc được kết nối chặt chẽ, tạo thành một chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe khép kín. Không chỉ mạnh về hạ tầng y tế, thành phố còn là điểm sáng về nguồn nhân lực: gần 2.500 bác sĩ, trong đó hơn 61% có trình độ sau đại học, hơn 300 tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II.
Thành phố cũng nổi bật nhờ có 4 đại học, 6 cao đẳng chuyên ngành y, tạo nguồn cung nhân lực chất lượng cao cho tương lai. Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân đạt gần 18 – gần gấp rưỡi so với mức trung bình cả nước, cho thấy khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cho cả nhu cầu nội tại và khách du lịch.
Không những vậy, yếu tố "mềm", bao gồm môi trường sống trong lành, giao thông thuận lợi, hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng chất lượng cao và sự thân thiện của người dân, đã khiến Đà Nẵng trở thành một "điểm đến lý tưởng" trong mắt du khách lẫn các tổ chức học thuật quốc tế.
Sự phát triển du lịch y tế là xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, việc các bệnh viện công lập và tư nhân đầu tư mạnh vào các khu điều trị chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, cho thấy sự sẵn sàng của ngành y tế trong việc "xuất khẩu" dịch vụ ngay trên sân nhà.
"Chúng tôi xác định rõ rằng y tế không chỉ là trụ cột an sinh mà còn là động lực phát triển kinh tế. Du lịch y tế không thể thành công nếu thiếu sự kết nối giữa hai ngành y tế và du lịch, giữa khoa học và thị trường, giữa con người và dịch vụ", bà Trần Thanh Thủy khẳng định.
Cơ hội "đi tắt, đón đầu"
Trong khi đó, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho rằng, việc tăng trưởng cao hơn nữa trong lĩnh vực du lịch tại địa phương này hiện nay là vô cùng khó khăn vì đã ở một ngưỡng tương đối cao. Nếu có tăng cũng chủ yếu đến từ chi phí tham quan hay lưu trú.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Chính vì vậy, việc phát triển những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là du lịch y tế, được xem là hướng đi chiến lược để tạo đột phá. Ông đánh giá cao nỗ lực tổ chức hội thảo lần này nhằm định hình rõ ràng hơn cho sản phẩm mới này, từ đó tạo ra một cơ hội để Đà Nẵng "đi tắt, đón đầu".
Ông Cường nhấn mạnh đến ba yếu tố then chốt để phát triển du lịch y tế. Thứ nhất là nguồn nhân lực. Y tế không còn chỉ phục vụ khám chữa bệnh thuần túy, mà cần có thêm kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp và dịch vụ theo chuẩn du lịch. Ngược lại, ngành du lịch cũng cần hiểu rõ về các sản phẩm y tế để giới thiệu đến du khách.
Thứ hai là sự liên kết thực chất giữa hai ngành du lịch và y tế. Các cơ sở khám chữa bệnh cần phối hợp, chia sẻ, quảng bá thế mạnh lẫn nhau, đồng thời kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch để hình thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh.
Sau cùng là xúc tiến truyền thông hiệu quả. Cần xây dựng các gói dịch vụ du lịch y tế rõ ràng, đẩy mạnh quảng bá để sản phẩm đến tay du khách một cách hiệu quả, tạo sức cạnh tranh với các điểm đến như: Singapore, Malaysia hay Thái Lan.
Ông Cường cũng lưu ý: "Chúng ta có lợi thế tự nhiên mà không nơi nào có được – biển, sông, núi – rất thuận lợi cho các loại hình nghỉ dưỡng kết hợp y tế. Bên cạnh đó, y học cổ truyền, Đông y ở Đà Nẵng cũng có thể tạo ra những gói sản phẩm chữa lành độc đáo".
Để biến y tế thành thương hiệu của du lịch, Đà Nẵng cần làm bài bản, chuẩn mực và hiệu quả.
Nguyễn Duy Cường