Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: Tạo tầm nhìn, thúc đẩy tăng trưởng của Đồng Nai trong tương lai và trên tất cả, người dân phải ở vị trí trung tâm của quy hoạch tỉnh

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: Tạo tầm nhìn, thúc đẩy tăng trưởng của Đồng Nai trong tương lai và trên tất cả, người dân phải ở vị trí trung tâm của quy hoạch tỉnh
2 giờ trướcBài gốc
Vào ngày 24-9-2024, tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Văn bản pháp lý quan trọng này có tính chất định hướng cho sự phát triển của Đồng Nai từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trước thềm sự kiện đặc biệt này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có cuộc trao đổi với Báo Đồng Nai về những tầm nhìn, mục tiêu và giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (phải) trao đổi với Tổng biên tập Báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn trong buổi phỏng vấn với Báo Đồng Nai. Ảnh: HUY ANH
PV: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “quy hoạch là “chìa khóa” phát triển”. Đồng chí có thể chia sẻ về tầm quan trọng của quy hoạch tỉnh Đồng Nai vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 03-7-2024 vừa qua?
* Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh:
Ngày 03-7-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phê duyệt này rất quan trọng, tạo tiền đề và nền tảng để Đồng Nai định hướng, phát triển bền vững.
Một địa phương bao giờ cũng có ước mơ, định hướng để phát triển, thì quy hoạch chính là pháp lý quan trọng để tạo nên tầm nhìn và giá trị trong tương lai.
Đối với Đồng Nai, quy hoạch phải phát huy được tất cả những lợi thế cạnh tranh của mình so với các địa phương khác, phát huy được những thế mạnh của tỉnh trong phát triển ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn - ở đây là định hướng đến năm 2050.
Như vậy, những lợi thế so sánh của Đồng Nai so với các địa phương khác thông qua quy hoạch được phê duyệt lần này càng khẳng định những tiềm năng to lớn của tỉnh về: vị trí địa lý, lợi thế từ sông Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Đây sẽ là những “điểm sáng”, những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng của Đồng Nai trong tương lai.
PV: Thưa đồng chí, có 5 quan điểm được tỉnh nhấn mạnh trong quá trình lập quy hoạch tỉnh. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là 2 quan điểm lấy người dân làm trung tâm và lấy Sân bay Long Thành làm động lực đột phá thúc đẩy phát triển của tỉnh. Vậy đồng chí có thể chia sẽ rõ hơn về mục tiêu của 2 quan điểm này?
* Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh:
Bất cứ quy hoạch của một địa phương nào thì cũng phải lấy người dân làm trung tâm, mọi sự phát triển không có mục đích nào khác là nhằm phục vụ cho cuộc sống của người dân tốt hơn.
Chúng ta quy hoạch trường học, bệnh viện, công viên cây xanh, những không gian phúc lợi, quy hoạch những con đường kết nối phát triển… cuối cùng cũng để phục vụ cho nhân dân. Chúng ta quy hoạch, phát triển kinh tế cũng nhằm tạo ra nguồn lợi để từ đó quay lại phục vụ nhân dân. Do đó, quan điểm lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, lấy người dân làm trung tâm của mọi đồ án quy hoạch là một quan điểm quan trọng trong đồ án quy hoạch lần này.
Đối với Sân bay Long Thành, khi Chính phủ chọn Long Thành là điểm đặt sân bay thì đây rõ ràng đã trở thành một lợi thế so sánh rất lớn về phát triển của Đồng Nai trong tương lai. Sân bay Long Thành là sân bay trung chuyển quốc tế, là một điểm thu hút về giao thông hàng không của khu vực, là một động lực rất to lớn cho Đồng Nai, cho Vùng Đông Nam Bộ cùng phát triển.
Quy mô của Sân bay Long Thành trong giai đoạn 1 có công suất 25 triệu lượt khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, mỗi ngày sẽ đón trung bình 70 ngàn hành khách, khi hoàn thành toàn bộ, một ngày sẽ đón 300 ngàn lượt hành khách. Đây là một con số cực kỳ lớn và tôi kỳ vọng sẽ mang đến sự phát triển mạnh mẽ cho Đồng Nai. Sân bay Long Thành sẽ là một điểm kết nối cho phát triển công nghiệp công nghệ cao, là một điểm nhấn phát triển dịch vụ logistics, các ngành dịch vụ khách sạn, thương mại và các dịch vụ cao cấp cho du khách quốc tế.
Như vậy, đòi hỏi sẽ phải có rất nhiều vệ tinh về kinh tế xoay quanh Sân bay Long Thành, nó tạo nên một động lực mạnh mẽ không chỉ cho Long Thành mà cho cả Đồng Nai trong phát triển. Phải nói rằng, trong quy hoạch tỉnh, Sân bay Long Thành gắn với Cảng Phước An, gắn với giao thông đường thủy mà tâm điểm là sông Đồng Nai sẽ trở thành những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh trong thời gian tới.
Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai xác định quan điểm lấy người dân làm trung tâm, tập trung chăm lo, phát triển đời sống của người dân là mục tiêu quan trọng nhất. Ảnh: PHẠM TÙNG
Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác khảo sát Dự án xây dựng cảng Phước An. Ảnh: PHẠM TÙNG
PV: Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về mục tiêu lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "net-zero 2050”?
* Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh:
Mục tiêu net zero toàn cầu đã có cách đây 10-15 năm và đã trở thành một xu thế phát triển của toàn cầu, thành xu hướng tất yếu của mỗi quốc gia trong vấn đề phát triển bền vững. Thật sự chúng ta đến giờ mới đề cập đến vẫn đề này thì được coi là khá chậm so với các nước phát triển.
Việt Nam trong khuôn khổ COP26 (Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đã cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng về 0. Do đó, là một địa phương có công nghiệp phát triển sớm, Đồng Nai cũng phải xây dựng lộ trình. Đồng Nai muốn tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh thì phải bảm sát vào mục tiêu thực hiện Net Zero từ nay đến năm 2050. Thực hiện tốt mục tiêu này thì hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai mới có thể xâm nhập vào các nước và dòng vốn FDI mới phát triển đầu tư vào Đồng Nai, và như vậy kinh tế sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh hiệu quả. Vì vậy, các nội dung trong quy hoạch tỉnh cũng phải tập trung cho mục tiêu này.
PV: Việc hiện thực hóa quy hoạch luôn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Với một quy hoạch lần đầu tiên được lập và triển khai thực hiện hết sức tâm huyết và trách nhiệm thì đồng chí có thể cho biết những thách thức lớn nhất là gì, thưa đồng chí?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh:
Quy hoạch là ước mơ cho tương lai ngắn hạn và dài hạn. Thực hiện quy hoạch là làm sao chúng ta thúc đẩy quá trình biến ước mơ đó thành hiện thực.
Khi quy hoạch được phê duyệt thì phải quản lý quy hoạch thật chặt chẽ. Không gian này quy hoạch khu công nghiệp thì không được làm cái khác, không gian kia quy hoạch làm đô thị thì phải giữ làm đô thị, không gian nọ làm một điểm dịch vụ du lịch thì phải giữ quy hoạch đó. Không được biến tướng các nội dung trong đồ án quy hoạch được phê duyệt. Quản lý nhà nước về quy hoạch phải hết sức chặt chẽ. Phải thông tin minh bạch cho người dân, vận động người dân chấp hành và tạo sự đồng thuận trong thực hiện quy hoạch. Không để xảy ra câu chuyện khi có dự án thì không có đất, không triển khai được vì giải tỏa không được thì nó sẽ cản trở bước phát triển và hiện thực hóa quy hoạch. Đồng thời, kêu gọi đầu tư là vấn đề then chốt, cần thu hút được các nhà đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện dự án đã được quy hoạch, từ đó mới biến ước mơ thành hiện thực.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khảo sát Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4. Ảnh: PHẠM TÙNG
PV: Hiện nay, liên kết vùng để phát triển đang được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh vì “không ai đi xa được một mình”. Vậy trên phương diện liên kết vùng, đồng chí có kỳ vọng gì ở quy hoạch tỉnh, nhất là để định hình vị thế của Đồng Nai trong vùng Đông Nam bộ - vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước hiện nay?
* Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh:
Quy hoạch vùng phải dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng địa phương trong vùng đó. Tỉnh Đồng Nai có lợi thế về sân bay, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thì có lợi thế về cảng nước sâu, Thành phố Hồ Chí Minh lại có lợi thế về tài chính và về đội ngũ trí thức...
Mỗi tỉnh, thành trong vùng đều có những lợi thế so sánh tốt hơn địa phương khác. Do đó nhiệm vụ đặt ra là làm sao quy hoạch vùng phải phát huy được lợi thế so sánh của từng tỉnh và đóng góp vào sự phát triển chung của vùng một cách hiệu quả, đặc biệt cần tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng vì nó sẽ triệt tiêu lợi thế từng địa phương, gây ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển - cả riêng lẫn chung.
PV: Ở tầm nhìn xa, một trong những mục tiêu mà quy hoạch tỉnh đặt ra là sẽ đưa Đồng Nai trở thành thành phố phát triển của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Để mục tiêu này sớm trở thành hiện thực tỉnh sẽ chọn những lĩnh vực đột phá nào trong thời gian tới?
* Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh:
Trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050 là một mục tiêu xa, tuy nhiên, muốn trở thành một thành phố văn minh hiện đại trực thuộc Trung ương thì trước hết Đồng Nai phải tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh hơn nữa. Nếu tỷ trọng công nghiệp và nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao thì khó trở thành một thành phố văn minh, hiện đại được. Tăng tỷ lệ đô thị hóa, tăng hàm lượng tri thức trong mọi hoạt động.
Bài toán đặt ra cho Đồng Nai trong phát triển các ngành nghề kinh tế có hàm lượng chất xám phải cao hơn, tri thức phải nhiều hơn, chất lượng sống phải tốt hơn. Tôi cho rằng, đây là những mục tiêu mà tỉnh sẽ “đeo đuổi” quyết liệt để sớm đưa Đồng Nai trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng sống tốt nhất có thể - với vị trí trung tâm luôn thuộc về người dân.
Lãnh đạo tỉnh khảo sát các dự án dọc sông Đồng Nai để thúc đẩy phát triển kinh tế sông, một trong những định hướng phát triển mới tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh. Ảnh: PHẠM TÙNG
PV: Vậy đâu là những việc “cần làm ngay” để sớm hiện thực hóa quy hoạch tỉnh thưa đồng chí?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh:
Có quy hoạch mà không có nhà đầu tư thì chúng ta cũng không làm được. Quy hoạch là ước mơ nhưng muốn biến ước mơ đó thành hiện thực thì phải thu hút đầu tư xã hội, mời gọi các nhà đầu tư.
Nhà nước chỉ đầu tư hạ tầng, do đó, phải thu hút được các nhà đầu tư để về đầu tư những công trình, những dự án có trong quy hoạch. Có như vậy chúng ta mới “vẽ” nên “bức tranh”, biến ước mơ thành hiện thực.
Ngoài ra triển khai thực hiện quy hoạch thì nó còn đòi hỏi tính đồng bộ. Quy hoạch tỉnh được phê duyệt nhưng phải tiếp tục làm quy hoạch huyện, thành phố, phân khu. Tất cả phải đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Tính đồng bộ trong quy hoạch phải xuyên suốt thì mới thực hiện quy hoạch một cách thuận lợi.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/audio/202409/uy-vien-trung-uong-dang-bi-thu-tinh-uy-nguyen-hong-linh-tao-tam-nhin-thuc-day-tang-truong-cua-dong-nai-trong-tuong-lai-va-tren-tat-ca-nguoi-dan-phai-ovi-tri-trung-tam-cua-quy-hoach-tinh-6fe4840/