Vá 'lỗ hổng' thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng

Vá 'lỗ hổng' thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng
13 giờ trướcBài gốc
Xu hướng mua sắm số hóa
Năm 2025 khởi đầu bằng những tín hiệu tăng trưởng tích cực của ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, khi các nền tảng trực tuyến ghi nhận doanh số bùng nổ và người tiêu dùng chuyển dịch mạnh mẽ sang mua sắm số hóa.
Theo báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thị trường TMĐT Việt Nam duy trì mức tăng trưởng ấn tượng từ 18-25% mỗi năm. Riêng năm 2024, quy mô thị trường đã vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước đó, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đáng chú ý, trong quý I năm 2025, thương mại điện tử tiếp tục duy trì đà tăng ổn định, phù hợp với kịch bản tăng trưởng đã dự báo. Báo cáo phân tích của nền tảng Metric.vn cho thấy, tổng doanh số trên 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop đạt tới 101.400 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm 2024.
Thị phần doanh số 4 sàn thương mại điện tử trong quý I/2025. Ảnh: Metric
Dữ liệu từ Metric.vn cho thấy, ba ngành hàng dẫn đầu doanh số TMĐT quý I/2025 bao gồm: Thời trang, điện tử tiêu dùng, và mỹ phẩm – chăm sóc cá nhân. Ngành hàng thời trang tiếp tục giữ vững vị thế số một trên các nền tảng Shopee và TikTok Shop, nhờ vào chiến lược livestream, flash sale và sự bùng nổ của các KOLs, influencers trong lĩnh vực này. Chỉ riêng trên TikTok Shop, nhiều thương hiệu nội địa đã đạt mức doanh thu hàng tỷ đồng chỉ trong một chiến dịch ngắn.
Điện tử tiêu dùng, với các mặt hàng như điện thoại, tai nghe, phụ kiện số – cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Người tiêu dùng hiện không chỉ tìm kiếm thiết bị chính hãng với giá tốt, mà còn ưu tiên yếu tố dịch vụ hậu mãi và trải nghiệm số hóa trong quy trình mua hàng. Một số thương hiệu lớn như: Samsung, Xiaomi, và thậm chí các startup nội địa trong lĩnh vực phụ kiện điện tử cũng được hưởng lợi lớn.
Đối với nhóm sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân, các thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam vẫn chiếm ưu thế. Tên tuổi như Numbuzin, 3CE, hay Cocoon của Việt Nam đều nằm trong nhóm sản phẩm bán chạy nhất, nhờ xu hướng tiêu dùng lành mạnh, quan tâm tới nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố an toàn cho da.
Xu hướng tiêu dùng đang không ngừng biến đổi, trở thành nhân tố quan trọng định hình lại cục diện thị trường thương mại điện tử. Trong đó, đáng chú ý là sự nổi lên của hành vi mua sắm qua nền tảng mạng xã hội, tiêu biểu như TikTok Shop. Với khả năng kết hợp linh hoạt giữa nội dung video ngắn và hành động mua hàng trực tiếp, nền tảng này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn tạo ra trải nghiệm giải trí liền mạch, khiến việc mua sắm trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
Song song với đó, trải nghiệm tiêu dùng cũng đang được “di động hóa” nhanh chóng. Theo thống kê của Statista, hơn 80% giao dịch TMĐT tại Việt Nam năm 2024 được thực hiện qua điện thoại di động. Người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với các công nghệ hỗ trợ như trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo, chatbot hay thử sản phẩm bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR), đặc biệt phổ biến trong các ngành hàng như mỹ phẩm, thời trang và phụ kiện.
Bên cạnh yếu tố tiện lợi và công nghệ, người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng đang đặt kỳ vọng cao hơn vào sự cá nhân hóa và tính bền vững trong sản phẩm. Họ sẵn sàng chi trả cho những mặt hàng được thiết kế riêng theo sở thích cá nhân, đồng thời ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng bao bì tái chế và xuất xứ rõ ràng, minh bạch trong chuỗi cung ứng. Những xu hướng này không chỉ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn về đổi mới sản phẩm, mô hình kinh doanh và đạo đức thương mại.
Những lỗ hổng cần vá
Bên cạnh những con số ấn tượng về tăng trưởng và mở rộng thị trường, TMĐT Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.
Theo số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện cả nước có gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm. thiết bị đồ dùng gia đình, đồ công nghệ và điện tử, sách… Đây là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Sự phát triển mạnh mẽ này càng khiến phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm, tình trạng gian lận thương mại điện tử ngày càng tinh vi.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với 1.000 người tại mỗi quốc gia khu vực ASEAN cho thấy, có tới 88% người tiêu dùng đã nhìn thấy hàng giả trên thị trường. Bên cạnh đó, có tới 70% người tiêu dùng đã mua phải hàng giả. Đặc biệt, cứ bốn người tiêu dùng lại có một người biết hàng đó không phải là hàng chính hãng.
Câu chuyện Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, cụ thể liên quan đến viên kẹo Kera – được quảng bá có tác dụng thay thế chất xơ rau xanh đặt ra nhiều câu hỏi cho cả người tiêu dùng và hệ sinh thái TMĐT.
Một mặt, cho thấy những lỗ hổng trong khâu kiểm định sản phẩm và quản lý nội dung tiếp thị; mặt khác, cảnh báo rõ ràng về ranh giới giữa “tạo ảnh hưởng” và “lợi dụng lòng tin” trên nền tảng mạng xã hội. Với các sàn TMĐT, sự việc như một hồi chuông thúc đẩy việc siết chặt kiểm duyệt sản phẩm, nâng chuẩn minh bạch thông tin và bảo vệ người tiêu dùng.
Sửa đổi Luật Thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng: Ảnh minh họa
Những vướng mắc và bất cập trong việc quản lý lĩnh vực thương mại điện tử đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật, cần được nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới và đảm bảo theo kịp sự phát triển của các nền thương mại điện tử trên thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Luật Thương mại điện tử sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025. Theo bản dự thảo mới nhất, các sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, công khai thông tin người bán và tăng cường các cơ chế xử lý khiếu nại người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, việc ban hành một Luật chuyên ngành thương mại điện tử chuyên biệt sẽ không chỉ để giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn định hình tương lai của lĩnh vực thương mại điện tử, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa quản lý nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng, và lợi ích doanh nghiệp.
Thương mại điện tử Việt Nam đang bước vào giai đoạn chín muồi – tăng trưởng nhanh, phân hóa rõ và đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tận dụng tối đa công nghệ, dữ liệu và thương hiệu cá nhân để bứt phá doanh số, sự cố của một thương hiệu nổi bật như Hằng Du Mục cũng cho thấy: Thương mại điện tử không chỉ là cuộc đua thị phần, mà còn là “phép thử lòng tin” giữa nhà bán, nền tảng và người tiêu dùng.
Lê Minh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/va-lo-hong-thuong-mai-dien-tu-de-nang-cao-hieu-qua-bao-ve-nguoi-tieu-dung-384154.html