Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Moskva ngày 8/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moskva nhân dịp Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga đánh dấu một bước tiến mới trong mối quan hệ song phương giữa hai cường quốc.
Đối tác kinh tế hàng đầu của Nga
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Nga, thay thế vai trò của các nước phương Tây trước đây. Thương mại song phương đã tăng vọt lên 244 tỷ USD vào năm ngoái, phản ánh mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc giữa hai nước.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đã tăng 63% lên 129,3 tỷ USD sau khi chiến sự nổ ra, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong việc duy trì nền kinh tế thời chiến của Moskva.
Tại cuộc gặp ở Điện Kremlin, ông Tập Cận Bình đã khẳng định: "Lòng tin lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga ngày càng sâu sắc hơn, với sự hợp tác thực tế tạo nên mối quan hệ không thể phá vỡ". Phát biểu này phản ánh rõ nét chiến lược hợp tác "không giới hạn" mà hai nước đã ký kết vào tháng 2/2022 nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây.
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác then chốt giữa Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận mua dầu khí của Nga với giá ưu đãi, trong khi các quốc gia châu Âu cắt giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Moskva. Hiện nay, Nga đã trở thành nguồn nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Trung Quốc, cung cấp khoảng 1/5 lượng nhập khẩu của nước này.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 là một trong những trọng tâm của cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo trong chuyến thăm trên. Dự án này dự kiến sẽ vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt của Nga hàng năm từ Yamal ở Tây Bắc Siberia đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergey Tsivilyov tiết lộ rằng các cuộc đàm phán đang ở "giai đoạn tích cực", mặc dù chưa có thỏa thuận cụ thể nào được công bố trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Ngoài năng lượng, Trung Quốc còn cung cấp cho Nga khả năng tiếp cận các hàng hóa và công nghệ sản xuất quan trọng, cả trong lĩnh vực quốc phòng và dân sự, mà Nga không thể tự sản xuất và không còn nhập khẩu được từ phương Tây do các lệnh trừng phạt.
Thách thức trong quan hệ kinh tế Trung - Nga
Mặc dù mối quan hệ kinh tế song phương phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn tồn tại những thách thức đáng kể. Các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ nhằm vào các đơn vị ở nước thứ ba giao dịch với Nga đã gây khó khăn cho việc mở rộng thương mại Trung - Nga, khiến nhiều ngân hàng Trung Quốc ngần ngại hợp tác với các đối tác Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khi quan hệ thương mại với Mỹ trở nên kém hấp dẫn đối với Trung Quốc do các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, các ngân hàng Trung Quốc và các doanh nghiệp khác có thể có xu hướng phớt lờ các mối đe dọa trừng phạt của Mỹ trong các giao dịch của họ với các doanh nghiệp Nga.
Đầu năm nay, các lệnh trừng phạt thứ cấp đã làm gián đoạn tạm thời hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc, khiến xuất khẩu dầu thô giảm 18% vào tháng 2. Tuy nhiên, nhờ các giải pháp thay thế của Trung Quốc liên quan đến tàu thay thế và hệ thống thanh toán, thương mại đã được duy trì.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc