Mô hình phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao
Để thực hiện các nhiệm vụ giúp người dân giảm nghèo, thoát nghèo, huyện Văn Bàn đã giao chỉ tiêu giảm nghèo đến từng xã, thị trấn; phân công rõ trách nhiệm và nhiệm vụ từng ban, ngành, cơ quan, đơn vị, cán bộ, hội viên trong việc giúp đỡ hội viên, đoàn viên, người dân thoát nghèo; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến người nghèo bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, như chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, đa dạng các hình thức tuyên truyền.
Đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội kết hợp với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sau những nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo, đến nay địa phương này đã đạt được những kết quả khá khả quan, điển hình là xã Nậm Chày, vốn là 1 trong 10 xã thuộc vùng “lõi nghèo” của tỉnh Lào Cai, với 70% hộ dân trong xã thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Để giải quyết vấn đề nghèo đói ở xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác, mỗi tháng 2 - 3 lần có mặt tại thôn, bản được phân công giúp đỡ để nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó tổ chức thực hiện tuyên truyền giảm nghèo thông tin, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; huy động các nguồn lực xã hội hóa để giúp đỡ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm Chày giảm còn 29,6%, hộ cận nghèo còn 20%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm. Nậm Chày không còn là xã nghèo nhất trong các xã nghèo của tỉnh.
Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng chanh leo, người dân ở huyện Văn Bàn đã phát triển khá tốt mô hình này làm nền tảng phát triển thoát nghèo
Những năm qua, bằng việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, công tác giảm nghèo của Văn Bàn đã đạt được kết quả tích cực, người dân được hưởng lợi từ các chương trình, đề án và nguồn vốn tín dụng, chủ động vươn lên thoát nghèo, cùng với đó là sự chủ động của UBND huyện, sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự đồng thuận của người dân trong công tác giảm nghèo cũng như triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo huyện Văn Bàn đã đã được những kết quả khả quan như: Năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo của Văn Bàn đạt 6,12%, Số hộ nghèo chỉ còn 3.154 hộ, chiếm tỷ lệ 15,36%. Số hộ cận nghèo còn lại là 2.595 hộ, tỷ lệ 12,63%.
Năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,34%, Số hộ nghèo giảm là 893 hộ nghèo; Số hộ nghèo còn lại là 2.261 hộ, Số hộ cận nghèo còn lại là 1.361 hộ. Cho đến hết năm 2024, huyện Văn Bàn đã giảm 821 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 6,97%, hộ cận nghèo còn 5,44%.
Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, cho biết: Có được thành quả như này Văn Bàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Chú trọng công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trong nhân dân để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, từ đó chủ động vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, đảm bảo 100% các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế, khuyết tật.
Thực hiện đúng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tập trung và thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, các mô hình phát triển kinh tế doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo việc làm cho lao động. Đồng thời, khích lệ tinh thần, lan tỏa phương thức, cách làm, phát triển kinh tế các thể, cải thiện thu nhập vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn.
Trường Sa