Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp: Thủ tục đất đai sẽ nhanh hơn, thuận lợi hơn

Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp: Thủ tục đất đai sẽ nhanh hơn, thuận lợi hơn
11 giờ trướcBài gốc
Việc vận hành chính quyền 2 cấp sẽ giúp thủ tục về đất đai nhanh hơn
Sẵn sàng trước giờ “G”
Liên tục trong những ngày cuối tháng 6/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM cùng UBND các xã, phường mới đã tổ chức các buổi “chạy thử” thủ tục đất đai khi vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Gần đây nhất, 336 cán bộ, công chức của 168 xã/phường mới của TP.HCM - những người trực tiếp làm công tác đất đai tại cấp xã, đã tham gia tập huấn để cập nhật kiến thức và hướng dẫn sử dụng phần mềm tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, các cán bộ được đào tạo để nắm rõ hơn cách thực hiện việc cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu địa chính tập trung, phục vụ công tác đăng ký, cấp sổ đỏ và quản lý hồ sơ địa chính theo đúng quy định.
Với việc thủ tục đất đai giao cho cấp xã, thị trường bất động sản sắp tới sẽ chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ, phát triển ổn định, minh bạch và bền vững hơn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM cho biết, việc sáp nhập TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để hình thành một siêu đô thị đòi hỏi nhiều nhiệm vụ mới về quy hoạch, quản lý đất đai, cấp sổ đỏ và đồng bộ dữ liệu địa chính.
“Khi không gian địa giới hành chính được mở rộng, nhu cầu giao dịch, sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai sẽ ngày càng tăng cao, đòi hỏi công tác quản lý đất đai phải được tổ chức bài bản, thống nhất, hiện đại, dựa trên nền tảng dữ liệu số và hệ thống thông tin đất đai liên thông, chính xác”, ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thắng, trong mô hình chính quyền 2 cấp, cấp xã/phường đóng vai trò rất quan trọng, thực hiện phần lớn thủ tục hành chính liên quan đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, trong đó có thủ tục về đất đai. Chính vì vậy, việc tổ chức, quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính không chỉ là yêu cầu bắt buộc với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh/thành phố, mà còn đòi hỏi sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ từ chính quyền cấp xã/phường.
“Đây là yếu tố quyết định để đảm bảo thông tin đất đai được quản lý thống nhất, liên thông, chính xác, từ đó phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu giao dịch, sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp”, ông Thắng nói.
Tại những buổi vận hành thử nghiệm, lãnh đạo các phường, xã, đặc khu của TP.HCM nhận xét, việc vận hành các nền tảng số dùng chung khá trơn tru, sẵn sàng hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ông Lê Anh Tú, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo (theo Nghị quyết số 1685/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/7 là Đặc khu Côn Đảo) chia sẻ, do Côn Đảo không tiếp giáp đất liền nên địa phương chủ yếu vận hành các nền tảng trực tuyến trong thời gian qua. Đây là cơ sở để Đặc khu Côn Đảo làm tốt hơn từ ngày 1/7.
Trong 10 ngày vận hành thử nghiệm, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Dĩ An (tỉnh Bình Dương cũ) đã tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ ở tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền và hoạt động thông suốt. Ông Võ Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy phường Dĩ An cho hay, đội ngũ cán bộ, công chức và người dân đều rất phấn khởi, chờ đón ngày vận hành chính thức.
Thực hiện thủ tục đất đai phi địa giới
Bắt đầu từ ngày 1/7, Nghị định 151/2025/NĐ-CP (Nghị định 151) quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, UBND cấp xã thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với cá nhân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Ngoài ra, khi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND cấp xã không cần xác nhận riêng về tình trạng quy hoạch, tranh chấp, tính ổn định sử dụng đất như trước đây. Thời gian đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu không quá 17 ngày làm việc; thời gian cấp giấy chứng nhận là không quá 3 ngày làm việc.
Có thể nói, việc phân quyền này sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, không cần đi lại nhiều như trước.
Một điểm mới nữa của Nghị định 151 là cho phép người dân và doanh nghiệp lựa chọn nơi nộp hồ sơ đăng ký đất đai trong phạm vi cấp tỉnh, thay vì bắt buộc phải nộp tại nơi có đất.
Trước đây, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hệ thống thông tin đất đai quy định nơi nộp hồ sơ cụ thể, gắn liền với địa chỉ đất. Nhưng kể từ ngày 1/7/2025, không còn tổ chức chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, thay vào đó, chi nhánh được đặt tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc khu vực liên xã, phường, do UBND cấp tỉnh quyết định.
Như vậy, người dân không còn bị giới hạn phải nộp hồ sơ tại nơi có đất, mà được quyền chọn bất kỳ xã nào trong tỉnh, hoặc nộp tại văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh hoặc các chi nhánh cấp xã/liên xã. Điều này giúp rút ngắn thời gian đi lại, giảm tải cho các điểm tiếp nhận đông dân, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai.
“Nút thắt” thủ tục sẽ được tháo gỡ từ gốc
Trước cuộc “cách mạng hành chính” này, không chỉ người dân, mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản cũng kỳ vọng “nút thắt” liên quan đến thủ tục sẽ được tháo gỡ triệt để.
Không giống các ngành sản xuất có thể linh hoạt điều chỉnh đầu vào, bất động sản là lĩnh vực đặc thù chịu sự chi phối trực tiếp từ hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính. Theo ghi nhận từ các hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp, có đến 80% khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay đến từ vướng mắc pháp lý.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP Invest) từng chia sẻ, trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 - 40 con dấu để thực hiện một dự án. Việc xin điều chỉnh quy hoạch cũng rất gian nan. Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy như: dự án mới chậm ra mắt, một số dự án phải “cáo lỗi” với khách hàng do tiến độ bàn giao trễ 4 - 5 năm chỉ vì chưa được cấp phép xây dựng. Ngược lại, có dự án đã được cấp phép xây dựng từ nhiều năm nhưng vẫn “mắc cạn” vì chưa xác định được tiền sử dụng đất - yếu tố bắt buộc để hoàn tất nghĩa vụ tài chính và tiến hành thủ tục cấp sổ hồng.
Hệ quả là doanh nghiệp không chỉ “chết đứng” dòng tiền vì không thể bán sản phẩm, mà còn oằn mình gánh nợ ngân hàng, bồi thường hợp đồng, thậm chí vướng tranh chấp pháp lý kéo dài. Hàng loạt dự án “trùm mền”, nguồn cung teo tóp, thanh khoản giảm, giá cả mất cân đối.
Không giấu tâm trạng phấn khởi, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa nhìn nhận, cuộc cải tổ bộ máy hành chính công lần này không chỉ “cứu” doanh nghiệp, mà còn “tháo chốt” cho thị trường bất động sản hồi sinh mạnh mẽ và bền vững hơn. Với cơ chế mới, gần 90% thủ tục quan trọng được giao xuống địa phương, cụ thể là cấp xã. Cán bộ xã là người sát thực tế, nay có thể tự quyết định về quy hoạch, đền bù, tiền sử dụng đất… nên giải quyết nhanh, gọn, thủ tục đơn giản.
Giải quyết khâu trung gian giúp doanh nghiệp không còn phải chạy vòng quanh xin ý kiến nhiều cấp, rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án. Khi đó, sản phẩm bất động sản sẽ lưu thông nhanh, nguồn cung dồi dào hơn, thị trường nhộn nhịp với hệ sản phẩm phong phú, đa dạng.
“Tôi cảm nhận rõ một chu kỳ mới, một kỷ nguyên mới với tính chất chưa từng có đã chính thức bắt đầu. Các doanh nghiệp đang có niềm tin rất lớn vào tương lai của ngành, của thị trường, nên rất mạnh dạn với các kế hoạch đã ấp ủ từ lâu. Tôi tin rằng, thị trường bất động sản sắp tới sẽ chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ, phát triển ổn định, minh bạch và bền vững hơn”, ông Trần Khánh Quang hào hứng nói.
Tương tự, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn đầu tư (Savills Việt Nam) cũng cho rằng, trước đây, doanh nghiệp đối mặt nhiều trở ngại từ thủ tục phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến nhà phát triển trong nước, mà còn khiến nhà đầu tư quốc tế ngần ngại. Thủ tục kéo dài cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng cao. Bởi thế, việc tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính là chìa khóa thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
“Đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách pháp lý là yếu tố then chốt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp và thu hút dòng vốn đầu tư hiệu quả”, ông Khương khẳng định.
Việt Dũng - Trọng Tín
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-thu-tuc-dat-dai-se-nhanh-hon-thuan-loi-hon-d315715.html