Độc giả đọc sách tại Thư viện tỉnh
Hiện nay, trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, việc đọc sách, báo điện tử, podcast... trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người đọc có thể tiếp cận hàng nghìn đầu sách, báo mọi lúc, mọi nơi.
Anh Đặng Văn Hải, làm việc tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Văn Lâm) cho biết: Do công việc khá bận rộn nên tôi thường tranh thủ lên mạng internet tìm kiếm các loại sách phù hợp để đọc hoặc đặt mua trực tuyến. Đối với tôi, sách là một kho tư liệu rất hữu ích về các vấn đề của cuộc sống. Tuy nhiên, mạng internet là một kho sách hoàn toàn mở về nhiều phương diện, vì thế, khi đọc sách trên mạng đòi hỏi người đọc cần biết chọn lọc, tránh những nội dung độc hại và sai lệch...
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã làm thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin của con người từ sách, báo truyền thống sang các phương tiện hiện đại như máy vi tính, điện thoại thông minh.... Điều này khiến văn hóa đọc truyền thống trở nên kém hấp dẫn hơn.
Để văn hóa đọc truyền thống không bị “lép vế” đã có nhiều giải pháp được thực hiện nhằm đưa văn hóa đọc bắt nhịp với xu thế trong thời đại 4.0. Đồng chí Đào Văn Quyến, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Từ năm 2023 - 2024, Thư viện hoàn thiện nâng cấp hệ thống quản lý phần mềm quản lý tài liệu số và phần mềm quản lý thư viện; tổ chức tư vấn, hướng dẫn chuyên môn và chuyển giao phần mềm quản lý thư viện VietBiblio cho 102 thư viện cấp huyện và 92 thư viện trường học trên địa bàn tỉnh. Đến nay, khoảng 90% nghiệp vụ thư viện được thực hiện trên phần mềm; người đọc có thể tra cứu tài liệu trực tuyến thông qua website http://thuvienhungyen.vn, tiếp cận sách điện tử dễ dàng.
Quét mã kiểm tra sách bạn đọc mượn, trả tại Thư viện tỉnh
Chị Hoàng Thanh Tú, Trưởng phòng Công tác bạn đọc (Thư viện tỉnh) cho biết: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện đã góp phần nâng cao năng suất hoạt động của thư viện, hỗ trợ bạn đọc trong việc tiếp cận và tăng khả năng đáp ứng những nhu cầu khác nhau của từng nhóm bạn đọc. Nhờ đó, lượng bạn đọc tìm đến thư viện ngày càng nhiều, trung bình mỗi ngày có 200 - 400 lượt bạn đọc đến thư viện để đọc và mượn sách. Từ năm 2022 đến nay, Thư viện phục vụ gần 1,5 triệu lượt bạn đọc truy cập, khai thác tài liệu, thông tin trên trang thông tin điện tử của Thư viện.
Bên cạnh những giải pháp từ ngành chuyên môn, để hình thành việc đọc có văn hóa và lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là trong thời đại số, cần ươm mầm và xây dựng thói quen, niềm đam mê đọc sách cho con trẻ từ gia đình, nhà trường, cộng đồng…
Để thúc đẩy văn hóa đọc trong thời đại số, khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong học sinh, nhiều trường học trong tỉnh đang tích cực đổi mới mô hình thư viện theo hướng thân thiện, hiện đại và gần gũi hơn với bạn đọc. Không còn là những phòng sách im lặng và khô khan, thư viện trường học hiện nay được thiết kế mở, đa dạng không gian như góc đọc sáng tạo, khu đọc sách ngoài trời, thư viện xanh, thư viện thân thiện… giúp học sinh vừa học, vừa thư giãn trong một môi trường truyền cảm hứng. Bên cạnh việc làm phong phú đầu sách, các hoạt động như “Ngày hội đọc sách” cũng được tổ chức thường xuyên, giúp thư viện trở thành không gian sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, góp phần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh...
Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc sách tại thư viện Trường THCS Lê Quý Đôn (Kim Động)
Tại Trường THCS Lê Lợi (thành phố Hưng Yên), nhà trường chú trọng việc xây dựng các tiết học “đọc mở”, nơi học sinh không chỉ đọc sách mà còn thảo luận, trình bày quan điểm cá nhân để giúp khơi gợi niềm yêu thích với việc đọc. Đồng thời, nhà trường khuyến khích học sinh tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” không chỉ để khuyến khích học sinh đọc sách, mà còn tạo ra những hạt nhân tích cực truyền cảm hứng cho bạn bè. Trong cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” toàn quốc năm 2024, em Phạm Thị Minh Hải, học sinh lớp 7D, Trường THCS Lê Lợi xuất sắc giành giải Nhì. Minh Hải chia sẻ: "Đối với em, sách không chỉ là nguồn kiến thức, mà còn là người bạn đồng hành mỗi ngày...".
Trong thời đại 4.0, văn hóa đọc không biến mất mà đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ công nghệ. Việc xây dựng thói quen đọc phù hợp với xu thế số hóa sẽ giúp con người tiếp cận tri thức dễ dàng hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống và phát triển xã hội bền vững.
Dương Miền – Hương Giang