Thị trường xuất bản nước ta sau khi được xã hội hóa bằng quy chế cho các công ty tư nhân tham gia vào quá trình làm sách, thì có thêm một cú hích là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường xuất bản nước ta vẫn còn nằm ở mức khiêm tốn, nếu nhìn vào con số doanh thu. Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành tiết lộ, với nhiều nỗ lực kích hoạt từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ đọc của người Việt đã tăng khoảng 12%. Cụ thể, tỷ lệ đọc của người Việt chỉ loanh quanh 4,1 đầu sách/ người/ năm.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trò chuyện với học sinh về thói quen đọc sách.
Trung bình mỗi năm thị trường xuất bản nước ta tung ra hơn 400 triệu bản sách, nhưng sách giáo khoa và sách tham khảo đã là 300 triệu bản sách. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 100 triệu dân Việt Nam, thì mỗi người chỉ đọc đúng 1 cuốn sách/ năm. Dù muốn dù không, vẫn phải thừa nhận sức đọc của người Việt vẫn còn rất thấp. Cho nên, không có gì khó hiểu, khi Malaysia có dân số bằng 1/3 nhưng doanh thu ngành sách gấp 4 lần Việt Nam, khi Thái Lan có dân số bằng 1/2 nhưng doanh thu ngành sách gấp 5 lần Việt Nam. Đáng nể hơn, Hàn Quốc có dân số phân nửa Việt Nam nhưng doanh thu ngành sách của Hàn Quốc gấp 52 lần Việt Nam.
Những dữ liệu không có gì mang tính bí mật thương mại ấy, khiến những ai quan tâm đến đời sống tinh thần người Việt đều cảm thấy hổ thẹn. Sự ra đời của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là một thái độ đúng đắn và cần thiết. Dù không có quy mô của một đô thị với công chúng hăng hái góp mặt trong các sự kiện cộng đồng như TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác cũng đầu tư cho Ngày Sách và Văn hóa học Việt Nam tương đối bài bản như Hải Phòng, Đắk Lắk, Phú Yên, Tiền Giang.
Có lẽ không thừa để khẳng định thêm một lần nữa, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ làm đòn bẩy hiệu quả cho tốc độ tăng trưởng của thị trường xuất bản nước ta. Tuy nhiên, hóa đơn bán hàng của ngành sách, chỉ là dấu hiệu khởi đầu chứ chưa phải yếu tố quyết định để xây dựng văn hóa đọc. Khái niệm văn hóa đọc không căn cứ vào ý nguyện một lĩnh vực hoặc một nhóm người, mà được xét trên bình diện quốc gia. Văn hóa đọc phải được hình thành ở từng cá nhân theo các tiêu chí cơ bản, bao gồm thói quen đọc sách, sở thích đọc sách và kỹ năng đọc sách.
Cầm lấy cuốn sách, mỗi người có một cảm xúc riêng, mỗi người có một tâm trạng riêng, và thậm chí mỗi người có một toan tính riêng. Thế nhưng, cầm lấy cuốn sách đã là một sự chọn lựa thú vị giữa cuộc sống nhiều bon chen danh lợi. Cầm lấy cuốn sách, độc giả có thể không cần biết hành trình từ bàn viết tác giả đến cánh cổng nhà in, mà độc giả rất cần suy ngẫm hành trình từ cá nhân đến cộng đồng, từ hiện tại đến tương lai. Bởi lẽ, đó chính là câu chuyện của văn hóa đọc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có mấy chục năm đi khắp nơi để truyền cảm hứng đọc sách cho giới trẻ, không ngần ngại thổ lộ: “Bấy lâu nay, trên các hãng truyền thông, không ít học giả cứ băn khoăn về văn hóa đọc. Có người tỏ ra bi quan. Có người hoàn toàn tuyệt vọng. Hình như người Việt đã mất thói quen đọc sách? Đó là dấu hiệu suy vong đáng lo sợ. Tuy nhiên, nếu bảo người Việt không đọc sách, hoặc rất ít người đọc sách, thì tôi lại nghi ngờ. Hình như cũng không phải thế. Nếu chẳng còn ai đọc sách nữa, thì người ta in sách ra để làm gì?
Hãy vào bất kỳ một nhà sách nào cũng thấy rõ. Phải nói là “trên trời dưới sách”. Không thiếu bất kỳ một chủng loại nào. Chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân, nhưng phần lớn các nhà xuất bản lại liên kết với các công ty tư nhân. Họ in sách hoàn toàn vì lợi nhuận, cứ cuốn sách nào ăn khách thì in. Nhờ thế, chúng ta có được rất nhiều tác phẩm đặc sắc của tinh hoa nhân loại.
Dù chỉ có một mục đích thực dụng, mục đích duy nhất là kiếm tiền, nhưng các nhà “buôn sách” ấy lại làm được một nghĩa vụ cao cả và linh thiêng: Nâng cao dân trí đất nước. Một tác phẩm đặc sắc gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng quốc tế, thì ngay lập tức đã được dịch ở Việt Nam. Có cuốn sách còn có nhiều bản dịch khác nhau ở nhiều nhà xuất bản. Vì thế, ở Việt Nam bây giờ, ngay cả một người không biết ngoại ngữ, cũng không hề lạc hậu”.
Sách đến với trẻ em nông thôn.
Dù nhìn ở góc độ nào, thì mức độ thành bại của văn hóa đọc cũng phải bắt đầu từ số lượng người đọc sách. Nếu mỗi cuốn sách chỉ in vỏn vẹn trên dưới 1.000 bản ở một đất nước có 100 triệu dân, thì ước mơ về một nền văn hóa đọc bền vững e chừng hơi xa vời. Làm sao để phát triển thị trường sách thật nhộn nhịp từ thành thị đến nông thôn? Cần hiểu cho thật nghiêm túc, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam chính là tiếng còi báo hiệu mỗi người dân tích cực rời khỏi vạch xuất phát trên con đường xây dựng văn hóa đọc quốc gia. Con đường ấy còn rất dài, còn rất xa, mà mỗi người dân phải cầm lấy cuốn sách như một niềm tin bền vững. Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc của dân tộc Việt Nam.
Tại những tọa đàm của Hội Xuất bản Việt Nam, hầu hết các ý kiến đều cho rằng vấn nạn ngại đọc, lười đọc mà chúng ta đang chứng kiến là hệ quả của việc thiếu quan tâm, nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ em. Trường học không có tiết đọc sách chính thức, còn gia đình chưa quan tâm phát triển thói quen đọc sách cho con cái. Thời gian gần đây, nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc đã được triển khai tại các trường học từ bậc trung học đến bậc đại học.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy với tư cách hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen khẳng định: “Sách không chỉ là người bạn, sách mở ra cả thế giới cho thầy trò và người đọc những kiến thức quý báu trong chặng đường trải nghiệm cuộc sống. Xây dựng thói quen đọc sách, sau đó hình thành văn hóa đọc là điều rất quan trọng. Hằng tháng thư viện trường cập nhật sách mới để sinh viên có thể đọc. Câu lạc bộ đọc sách khai phóng của trường cũng là môi trường để sinh viên sinh hoạt, hình thành và phát triển thói quen đọc cho mỗi người”.
Bằng kinh nghiệm bản thân, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tác giả ăn khách số một thị trường sách Việt Nam trong suốt hai thập niên qua, chia sẻ: “Trong những buổi tặng chữ ký cho bạn đọc nhân dịp ra sách mới, tôi luôn xúc động khi nhìn thấy cảnh bà dắt cháu hay ba mẹ dắt con tới chỗ tôi ngồi. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ đến bà tôi và chú tôi, những người đã in dấu lên trí não tôi thuở ban sơ bằng những câu chuyện đầu đời đẹp đẽ. Chính những người lớn tuyệt vời đó đã đắp nên con đường đầy hoa lá cho trẻ em đặt chân. Để rồi em lớn lên, đi đâu về đâu, quán xá, tàu xe, dọc lề đường gió bụi hay trong giờ nghỉ giữa sở làm, sách vẫn trong tay. Em bé đó, hy vọng một ngày nào tất cả chúng ta sẽ bắt gặp trong chính ngôi nhà mình”.
Đánh giá một cách sòng phẳng, mẫu mã các loại sách càng ngày càng đẹp. Thành tựu công nghệ in mang lại những ấn phẩm hoàn mỹ. Số người mua sách để trang trí không hề thua kém số người mua sách để thưởng thức. Nếu chơi sách là một thú vui tao nhã đối với một bộ phận người dân đô thị, thì đọc sách lại là một nhu cầu xa xỉ đối với phần lớn người dân nông thôn. Ngắm nhìn hàng ngàn tựa sách hay hàng triệu bản sách đua nhau khoe sắc ở hội sách nơi đô thị, càng thấy băn khoăn cho văn hóa đọc.
Bao giờ những người dân nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, mới có hội sách dành cho họ, giống như hội chợ hàng tiêu dùng mà các doanh nghiệp nô nức đăng cai? Kênh phân phối sách cho nông thôn đang tắc nghẽn ở đâu? Vì sao những cuốn sách không về đến thôn ấp, thuận tiện và dễ dàng như những gói mì tôm, những chai nước ngọt?
Đành rằng, dăm người dân nông thôn bây giờ có thể lên mạng để liên hệ các nhà sách online, nhưng chi phí vận chuyển và giá sách vẫn quá cao so với túi tiền của bà con lam lũ quanh năm trông chờ vào sự thu hoạch quả cà, cân thóc từ mảnh ruộng góc vườn. Muốn xây dựng văn hóa đọc, tại sao không có những đợt khuyến mãi lớn hoặc những đợt quyên góp sách cho nông thôn? Thị trường xuất bản đang lãng quên khách hàng sau lũy tre làng, dù ai cũng biết rằng, những người đang thua thiệt về cơm áo cũng chính là những người đang khao khát đọc sách để tìm kiếm ánh sáng tri thức và cơ hội tương lai.
Tuy Hòa