Văn hóa giao thông: Hơn cả việc tuân thủ luật lệ

Văn hóa giao thông: Hơn cả việc tuân thủ luật lệ
8 giờ trướcBài gốc
Nút giao thông ngã 5 đại học
Văn hóa giao thông không chỉ đơn thuần là việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật mà còn là biểu hiện của ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Đó là sự tôn trọng lẫn nhau, là sự chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh khi tham gia giao thông.
Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Trên thực tế, văn hóa giao thông được thực hiện thông qua hai yếu tố là tính pháp lý khi tham gia giao thông và tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông vẫn còn rất hạn chế, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông.
Thực tế cho thấy, ý thức chấp hành Luật Giao thông và văn hóa giao thông hiện nay của một bộ phận giới trẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Việc điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chạy xe nẹt pô, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng... vẫn còn diễn ra. Học sinh, sinh viên khi tan trường vẫn còn tình trạng “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn.
Thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2024 (từ 15/12/2023 - 14/9/2024) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 365 vụ tai nạn giao thông làm 152 người chết, 303 người bị thương; hư hỏng 403 xe mô tô, 205 xe ô tô; thiệt hại ước tính khoảng 5.421,5 triệu đồng. Tai nạn giao thông liên quan trong lứa tuổi học sinh xảy ra 25 vụ.
Lâm Đồng cùng với cả nước hiện đang triển khai tháng cao điểm tổng kiểm tra nhằm tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong học đường, trong đó trên địa bàn toàn tỉnh đều ra quân tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, xe mô tô đến trường; những trường hợp phụ huynh giao xe máy phân khối lớn cho con em không đúng quy định; những trường hợp học sinh chở 3, dàn hàng ngang khi lưu thông trên đường bằng xe đạp, xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe… và đã ghi nhận rất nhiều trường hợp học sinh, phụ huynh vi phạm quy định về an toàn giao thông đã bị nhắc nhở, xử lý.
Điều đáng nói là, qua đợt cao điểm lần này, rất nhiều trường hợp học sinh và phụ huynh bị bắt phạt vì những lỗi phổ biến mà ai cũng biết là sai. Tuy nhiên, các phụ huynh và học sinh mặc dù biết sai luật nhưng vì để cho tiện và thuận lợi trước mắt của gia đình mà đã không nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông dẫn đến tình trạng vi phạm trở nên phổ biến đó là việc phụ huynh giao xe cho con em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe để đi học.
Để góp phần xây dựng giao thông văn minh, an toàn, đặc biệt là đối với học sinh, thanh niên trẻ; gia đình và nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành ý thức chấp hành Luật Giao thông cho những đối tượng này. Các bậc phụ huynh cần làm gương cho con em bằng cách tuân thủ nghiêm chỉnh Luật Giao thông, đồng thời thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con về tầm quan trọng của việc chấp hành luật lệ. Nhà trường cần tăng cường giáo dục pháp luật về giao thông cho học sinh, tổ chức các buổi sinh hoạt lớp, ngoại khóa về chủ đề này.
Việc xây dựng văn hóa giao thông là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường cần có những hành động thiết thực để góp phần xây dựng giao thông văn minh, an toàn.
NGUYỄN NGHĨA
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/phap-luat/202410/van-hoa-giao-thong-hon-ca-viec-tuan-thu-luat-le-b27021c/