Dọc phố Nokdu ở Seoul, nơi từng mang biệt danh "thiên đường của quán rượu và quán bar" giờ thưa thớt người qua.
"Tôi không thấy ai say xỉn nữa. Nokdu từng đông nghẹt nhưng giờ không còn ai", bà Jun Jung-sook, 77 tuổi, chủ quán nhậu trên phố này, bình luận.
Số liệu thống kê cho thấy lượng tiêu thụ rượu ở Hàn Quốc giảm 12% so với mức đỉnh điểm năm 2015, mức giảm nhanh thứ hai trong số các quốc gia thuộc khối OECD.
Theo số liệu mới nhất, doanh số bán hàng tại các quán ăn địa phương đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 88,4 vào năm 2023. Số lượng quán Noraebang (quán nhậu kết hợp phòng hát) giảm từ gần 29.000 năm 2020 xuống gần 26.000, vào tháng 7/2024.
Ông Lee Jin-kook, chuyên gia kinh tế tại Viện Phát triển Hàn Quốc, cho biết doanh số bán lẻ cho thấy người tiêu dùng ngày càng chi nhiều hơn cho các cửa hàng tiện lợi để mua đồ mang về và cắt giảm ăn nhà hàng.
Một quán ăn ở phố Nokdu, thành phố Seoul. (Ảnh: Time Out)
Bên cạnh lý do phải thắt chặt chi tiêu, việc các quán nhậu nhỏ lẻ nhanh chóng biến mất như quán bà Jun cho thấy sự thay đổi trong văn hóa uống rượu của Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp đang giảm bớt các buổi nhậu nhẹt sau giờ làm việc và mọi người cũng dần chú trọng hơn trong bảo vệ sức khỏe.
Phụ nữ trẻ cởi mở và thẳng thắn hơn trong phê phán nhậu nhẹt. Họ phàn nàn ngày càng nhiều về hoesik (văn hóa nhậu sau giờ làm) vì làm mất thời gian chăm sóc con và nguy cơ quấy rối tình dục.
Năm 2007, Tòa án Tối cao Hàn Quốc cũng tuyên bố ép cấp dưới uống rượu là hành vi phạm tội.
Theo nghề từ năm 1993, chủ quán rượu như bà Jun phải bỏ nghề khi văn hóa uống rượu thay đổi. "Một số người từng trả tiền cho bàn khác chỉ vì học cùng trường đại học, dù không tiếp xúc bao giờ. Văn hóa đó không còn nữa", bà nói.
Bảo Long/Reuters