Văn hóa tiết kiệm - Cội rễ của phát triển bền vững và bản lĩnh quốc gia

Văn hóa tiết kiệm - Cội rễ của phát triển bền vững và bản lĩnh quốc gia
9 giờ trướcBài gốc
PGS, TS Bùi Hoài Sơn trong một cuộc trao đổi với báo chí. (Ảnh: TL)
Phóng viên: Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết sâu sắc ngày 1/6/2025 về thực hành tiết kiệm, . Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của bài viết này trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là một chỉ đạo về chính sách quản lý tài chính hay điều hành kinh tế, mà là một thông điệp chính trị, văn hóa, xã hội mang tầm chiến lược.
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu cao hơn về chất lượng tăng trưởng, bền vững hóa mọi lĩnh vực, và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, thì việc thực hành tiết kiệm không còn là một đức tính cá nhân, mà là một nội dung cốt lõi trong tư duy lãnh đạo, trong văn hóa công vụ, trong thiết kế thể chế.
Bài viết của Tổng Bí thư có tầm vóc lớn vì đặt tiết kiệm vào đúng vị trí của nó: là giải pháp căn cơ nhất để “đất nước vượt qua mọi bão dông”. Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, nợ công tăng cao, lãi suất bất ổn, thì một quốc gia muốn phát triển ổn định và tự chủ không thể dựa vào vay mượn, mà phải khơi dậy nội lực. Và nội lực đó được xây dựng từ những điều tưởng như nhỏ bé: tiết kiệm điện, tiết kiệm giấy, tiết kiệm thời gian họp, tiết kiệm trong sử dụng công sản, tinh gọn bộ máy, đổi mới tư duy chi tiêu từ cá nhân đến thể chế.
Bài viết của Tổng Bí thư vì thế không chỉ là lời kêu gọi hành động, mà còn là một định hướng giá trị cho phát triển quốc gia – rất gần gũi, rất Việt Nam, nhưng cũng rất hiện đại và sâu sắc về mặt quản trị. Nó vừa gợi nhớ di huấn của Bác Hồ về “thắt lưng buộc bụng”, vừa bắt nhịp với tư duy phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa nguồn lực – những trụ cột phát triển trong thời đại mới.
Phóng viên: Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng tiết kiệm cần trở thành văn hóa hằng ngày, là “cơm ăn, nước uống, áo mặc” của mỗi người. Theo ông, vì sao tiết kiệm lại cần được xem là một giá trị văn hóa chứ không chỉ là hành vi kinh tế?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Tôi rất tâm đắc với cách mà Tổng Bí thư dùng hình ảnh gần gũi – “cơm ăn, nước uống, áo mặc” – để nói về tiết kiệm. Điều đó cho thấy, tiết kiệm không phải là một khái niệm trừu tượng, càng không chỉ giới hạn trong sổ sách tài chính hay báo cáo quản lý ngân sách.
Tiết kiệm, theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư đề cập, là một hành vi văn hóa – nghĩa là nó phải xuất phát từ nhận thức, ăn sâu vào thói quen, và trở thành một phần của nếp sống cá nhân, gia đình, tổ chức và cộng đồng.
Chúng ta đều biết rằng, một hành vi khi được lặp đi lặp lại và được xã hội tôn vinh thì sẽ dần trở thành văn hóa. Trong lịch sử, tiết kiệm là đức tính truyền thống của người Việt. Từ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, đến hình ảnh người mẹ quê “vá áo cho con bằng tay áo của mình” – tinh thần tiết kiệm đã bám rễ vào đời sống dân tộc như một nguyên tắc sống mang tính đạo lý.
Nhưng ngày nay, trong bối cảnh tiêu dùng nhanh, chủ nghĩa vật chất lan rộng, không ít người dần đánh mất ý thức tiết kiệm, xem đó như sự hà tiện, lạc hậu, thay vì là hành vi trách nhiệm và cao thượng.
Bởi vậy, để tiết kiệm trở thành động lực phát triển chứ không phải là biểu hiện của thiếu thốn, chúng ta cần tái định vị nó như một giá trị văn hóa hiện đại, gắn với phẩm chất công dân, với đạo đức công vụ, với tinh thần đổi mới và trách nhiệm xã hội.
Một người biết tiết kiệm điện là người hiểu về bảo vệ môi trường. Một cán bộ tiết kiệm trong sử dụng xe công là người biết tôn trọng tài sản nhân dân. Một gia đình dạy con tiết kiệm thời gian là đang giáo dục thế hệ trẻ sống có kế hoạch, có ý chí. Đó là cách mà văn hóa tiết kiệm lan tỏa – âm thầm nhưng bền bỉ – và tạo ra một “chất kết dính” vô hình cho sự phát triển bền vững.
Vì thế, tôi cho rằng, tiết kiệm cần được giáo dục như một năng lực sống, như một yếu tố nhân cách. Phải bắt đầu từ nhà trường, từ cộng đồng, từ phương tiện truyền thông, và đặc biệt là từ sự nêu gương của người đứng đầu. Chỉ khi tiết kiệm trở thành một thói quen văn hóa thay vì một khẩu hiệu hành chính, thì nó mới có khả năng chuyển hóa sức mạnh xã hội thành nội lực phát triển dân tộc.
Phóng viên: Trong bài viết, Tổng Bí thư đề xuất tổ chức “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm”. Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của sáng kiến này và làm sao để tạo được sức lan tỏa thực chất trong toàn xã hội, tránh hình thức?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng việc Tổng Bí thư đề xuất “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm” là một sáng kiến có ý nghĩa rất lớn về mặt tư tưởng, văn hóa và xã hội. Nó không đơn thuần là một sự kiện hành chính, càng không phải là một phong trào nhất thời. Đây là một hành động có tính biểu tượng sâu sắc, nhằm khơi dậy nhận thức, xây dựng thói quen và tạo ra một điểm nhấn văn hóa trong đời sống cộng đồng.
Từ trước đến nay, chúng ta đã có nhiều ngày kỷ niệm mang tính toàn dân như Ngày Pháp luật Việt Nam, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Chủ nhật xanh... và tất cả đều hướng đến việc giáo dục công dân một cách bền vững thông qua các hoạt động cụ thể.
“Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm” cũng cần được tổ chức với tinh thần như vậy: không rình rang, không tốn kém, không hình thức, mà là dịp để mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức cùng nhìn lại cách mình đang tiêu dùng, chi tiêu, vận hành, sử dụng tài nguyên, ngân sách và thời gian.
Muốn có sức lan tỏa thực chất, theo tôi, cần làm 3 việc. Thứ nhất là thiết kế các hoạt động thiết thực gắn với đời sống, ví dụ như: một ngày không in giấy trong văn phòng, một ngày tắt thiết bị điện không cần thiết ở các cơ sở công cộng, một ngày mua sắm tiết kiệm trong hộ gia đình, hay một diễn đàn học đường để học sinh chia sẻ sáng kiến tiết kiệm. Những điều ấy rất nhỏ, nhưng chính sự nhỏ đó mới dễ thành thói quen.
Thứ hai là phải có sự tham gia gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Nếu một Chủ tịch xã đi xe đạp đến cơ quan hôm đó, một Bộ trưởng tự mang bình nước thay vì dùng chai nhựa, hay một sở, ngành tổ chức họp hoàn toàn không giấy – thì đó sẽ là những hình ảnh có sức lay động gấp nhiều lần các khẩu hiệu cổ động.
Thứ ba là kết nối với truyền thông, giáo dục và thi đua. Các phương tiện truyền thông cần lan tỏa những gương điển hình, những sáng kiến hay, và phê phán kịp thời những biểu hiện hình thức, lãng phí. Ngành giáo dục có thể tích hợp chủ đề tiết kiệm vào các giờ học kỹ năng sống.
Và đặc biệt, cần có những mô hình thi đua thiết thực, như “Gia đình tiết kiệm tiêu biểu”, “Cơ quan sử dụng ngân sách hiệu quả”, “Doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng” để khuyến khích, biểu dương và nhân rộng.
Khi tiết kiệm trở thành niềm tự hào thay vì là sự miễn cưỡng, thì chúng ta mới thật sự có một nền văn hóa tiết kiệm vững bền. Và khi cả dân tộc cùng tiết kiệm một cách có văn hóa, thì nguồn lực quốc gia sẽ được tích lũy để phục vụ những mục tiêu lớn lao hơn: giáo dục, y tế, hạ tầng, đổi mới sáng tạo và an sinh xã hội. Đó là tầm nhìn mà tôi tin rằng “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm” sẽ từng bước hiện thực hóa.
Giáo viên và các em học sinh tại lễ trao giải cuộc thi "Vẽ tranh tuyên truyền tiết kiệm điện". (Ảnh: giaoducthoidai.vn)
Phóng viên: Tổng Bí thư cũng chỉ rõ rằng hiện nay vẫn còn tình trạng tiết kiệm hình thức, chiếu lệ, thậm chí có nơi tổ chức hội nghị tiết kiệm mà lại… lãng phí. Theo ông, cần làm gì để vượt qua chủ nghĩa hình thức, đưa tiết kiệm trở thành hành vi văn hóa có nền nếp thực chất?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đây là một vấn đề rất nhức nhối và cũng rất thực tế. Tổng Bí thư đã rất thẳng thắn và sâu sắc khi cảnh báo tình trạng “tiết kiệm hình thức” – tức là nói nhiều nhưng làm ít, thậm chí có khi còn ngược lại.
Có những hội nghị mang danh tiết kiệm nhưng tổ chức rình rang, mời đông người, chi tiêu không hợp lý. Có những chương trình tuyên truyền kêu gọi chống lãng phí, nhưng lại dùng kinh phí quá lớn cho in ấn, treo băng-rôn, phát quà lưu niệm… mà hiệu quả tuyên truyền không đáng kể. Những biểu hiện ấy không chỉ đi ngược lại tinh thần tiết kiệm, mà còn làm tổn thương lòng tin của người dân.
Để tiết kiệm trở thành hành vi văn hóa có nền tảng, trước hết, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận – tức là không xem tiết kiệm là “một việc cần làm thêm”, mà là “một nguyên tắc nội tại” trong mọi hoạt động.
Cần thấm nhuần rằng, tiết kiệm không có nghĩa là cắt xén hoặc làm việc kém hiệu quả, mà là sử dụng đúng mức, đúng lúc, đúng nhu cầu và có giá trị lâu dài. Nó đòi hỏi tư duy tổ chức và kỹ năng quản trị, chứ không phải chỉ là lời kêu gọi suông.
Thứ hai, phải thiết lập những chuẩn mực và cơ chế cụ thể. Thí dụ, trong lĩnh vực công vụ, cần có bộ tiêu chí rõ ràng về sử dụng ngân sách, về quy mô tổ chức sự kiện, về tiêu chuẩn mua sắm – không để tùy tiện, cảm tính. Trong các đơn vị sự nghiệp công lập, cần đưa tiêu chí sử dụng tài nguyên tiết kiệm vào đánh giá thi đua khen thưởng. Và đặc biệt, cần đưa việc thực hành tiết kiệm thành một nội dung bắt buộc trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Thứ ba, điều quan trọng nhất vẫn là sự gương mẫu từ người đứng đầu. Chúng ta không thể khuyên dân tiết kiệm nếu chính cán bộ lại lãng phí. Một đồng chí lãnh đạo không dùng hoa chúc mừng, không phô trương tiệc tùng, luôn đi công tác đúng chế độ – những điều tưởng nhỏ ấy nhưng có sức lan tỏa rất lớn. Khi cán bộ “nói đi đôi với làm”, người dân sẽ cảm thấy đây không phải là một chiến dịch bề nổi mà là một giá trị thật sự cần gìn giữ.
Tiếp theo, tôi cho rằng cần có cơ chế khen thưởng và xử phạt công khai, minh bạch. Cần biểu dương kịp thời các cá nhân, đơn vị tiết kiệm hiệu quả, có sáng kiến hay. Ngược lại, cũng phải xử lý nghiêm những trường hợp lãng phí, sử dụng tài sản công sai mục đích, kể cả khi không gây thiệt hại lớn về vật chất nhưng làm xói mòn niềm tin công chúng. Đừng để người làm tốt thì âm thầm, còn người làm sai thì không bị nhắc nhở.
Tiết kiệm chỉ trở thành văn hóa khi nó không còn là việc được tuyên truyền, mà trở thành điều bình thường trong tư duy và hành vi xã hội. Đó là một hành trình dài, nhưng nếu bắt đầu từ thực chất, từ lòng tin, và từ sự gương mẫu, thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra một nếp sống tiết kiệm giàu bản sắc và bền vững.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò của tiết kiệm trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay? Làm sao để tiết kiệm không chỉ là phản ứng trước khó khăn, mà trở thành nội lực lâu dài trong kỷ nguyên mới?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, đặt trong bối cảnh hiện nay – khi đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển đòi hỏi chất lượng cao, tăng trưởng xanh, và tự chủ chiến lược – thì thực hành tiết kiệm không chỉ là một yêu cầu tình thế mà là một đòi hỏi mang tính chiến lược.
Như Tổng Bí thư đã viết trong bài ngày 1/6/2025, tiết kiệm là một trong những giải pháp căn cơ nhất để đất nước vượt qua “mọi bão dông”. Câu nói ấy vừa hàm chứa tính cấp bách, vừa chỉ rõ tầm nhìn lâu dài.
Ở đây, tiết kiệm không còn đơn thuần là câu chuyện “thắt lưng buộc bụng” trong gian khó, mà là cách chúng ta tổ chức lại các nguồn lực để phát triển hiệu quả, công bằng và bền vững hơn.
Một quốc gia biết tiết kiệm sẽ không rơi vào lệ thuộc, một dân tộc biết tiết kiệm sẽ có khả năng tự chủ. Đó chính là nền móng cho một xã hội có nội lực vững vàng – không bị cuốn theo những cơn lốc tiêu dùng ngắn hạn hay các cuộc khủng hoảng bất định từ bên ngoài.
Quan trọng hơn, tiết kiệm trong kỷ nguyên mới cần được hiểu theo một nghĩa rộng hơn – tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm dữ liệu, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm không gian sống… Tức là, không chỉ tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách hay sinh hoạt thường nhật, mà còn là cách chúng ta quy hoạch đô thị hợp lý, giảm phát thải carbon, tối ưu hóa công nghệ, xây dựng hệ thống giáo dục – y tế – giao thông thông minh và tiết kiệm chi phí vận hành. Đó là tư duy tiết kiệm mang tính đổi mới sáng tạo, đặt trong tầm nhìn quốc gia phát triển nhanh và bền vững.
Để điều đó trở thành hiện thực, tôi nghĩ chúng ta cần 2 yếu tố then chốt.
Thứ nhất là một hệ thống chính sách rõ ràng, minh bạch và nhất quán – trong đó, khuyến khích, bảo vệ và lan tỏa những sáng kiến tiết kiệm. Đơn cử như việc ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý hành chính – nếu làm tốt, có thể tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. Hay như khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn – không chỉ giảm chi phí mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Thứ hai là nuôi dưỡng một “văn hóa nội lực” trong toàn xã hội – tức là giáo dục, truyền thông và tạo môi trường để mỗi người dân thấy rõ rằng, sống tiết kiệm không phải là cam chịu thiếu thốn, mà là cách để tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình và cho thế hệ mai sau.
Một quốc gia thịnh vượng, suy cho cùng, không phải là nơi có thật nhiều tiền để tiêu, mà là nơi mọi đồng tiền, mọi tài nguyên đều được sử dụng đúng mục đích, đúng thời điểm, đúng người. Một dân tộc mạnh, không phải là dân tộc tiêu nhiều nhất, mà là dân tộc biết chắt chiu sức mình cho những việc lớn. Và chính trong tư tưởng tiết kiệm – khi được nâng lên thành văn hóa – sẽ hội tụ được lòng dân, ý Đảng, và khát vọng vươn tới một Việt Nam tự chủ, hùng cường và nhân văn.
PHƯƠNG THẢO
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/van-hoa-tiet-kiem-coi-re-cua-phat-trien-ben-vung-va-ban-linh-quoc-gia-post891012.html