Văn học, nghệ thuật Bắc Kạn sau ngày đất nước thống nhất - thành tựu và thách thức

Văn học, nghệ thuật Bắc Kạn sau ngày đất nước thống nhất - thành tựu và thách thức
6 giờ trướcBài gốc
Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Từ sau năm 1975 đến nay, văn học, nghệ thuật Bắc Kạn luôn phản ánh chân thực sự phát triển của tỉnh, đời sống xã hội và văn hóa truyền thống của Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
Trong giai đoạn đầu sau ngày đất nước thống nhất, văn học, nghệ thuật của tỉnh mang đậm dấu ấn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các tác phẩm tập trung khắc họa hình ảnh người dân miền núi kiên cường, lao động hăng say, yêu nơi mình sinh sống, dựng xây quê hương. Bước sang thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, văn học, nghệ thuật Bắc Kạn chuyển mình mạnh mẽ. Những cây bút trẻ xuất hiện, đưa vào sáng tác những góc nhìn cá nhân, khai thác sâu đời sống nội tâm, tình yêu, khát vọng trước sự đổi thay của xã hội. Bên cạnh dòng mạch chính là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”, đề tài về các dân tộc thiểu số trong văn học, nghệ thuật luôn được quan tâm khai thác.
50 năm qua, văn nghệ sĩ trong tỉnh, đặc biệt là các họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đưa đề tài vùng cao, miền núi, những sắc màu của Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà vào tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh. Nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu được công bố, đóng góp vào công tác gìn giữ bảo tồn vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực Đông Bắc, Việt Bắc. Có thể kể đến như: Vả tặp tàu – (sưu tầm, dịch: Dao – Việt) của Triệu Kim Văn; Lượn thương lễ hội lồng tồng – 2013 (sưu tầm, dịch: Tày – Việt), Then cấp sắc – 2014 (sưu tầm, dịch: Tày – Việt), hát Đồng dao – Tục ngữ, Thành ngữ – 2015 (sưu tầm, dịch: Tày -Việt),… của Ma Văn Vịnh; chài Hồng noọng Đáo – 2012 (sưu tầm – tiếng Tày) của Hoàng Hóa,….; nhiều di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê và đề nghị xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Chữ Nôm của Người Dao (xã Nông Thịnh, huyện Chợ Mới); chữ Nôm của người Tày (xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm); lượn Slương của người Tày (xã Yên Cư, huyện Chợ Mới); nghệ thuật múa khèn của người Mông (xã Lương Thượng, huyện Na Rì); hát Sli của người Nùng (xã Xuân Dương, huyện Na Rì); hát ru của người Tày (xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm); lượn Cọi của Người Tày (huyện Pác Nặm); hát Páo dung của Người Dao; múa bát của người Tày.
Hoạt động tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng được quan tâm. Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh đã tổ chức 55 cuộc liên hoan/triển lãm tại tỉnh và các chuyến thực tế sáng tác cho hội viên; tham gia 34 triển lãm mỹ thuật, liên hoan ảnh nghệ thuật, liên hoan âm nhạc khu vực miền núi phía Bắc,… Bên cạnh đó, nhà thơ dân tộc Tày Dương Khâu Luông đã có 14 tác phẩm thơ dịch ra tiếng Hàn Quốc, Nga, Pakistan được nước bạn giới thiệu, quảng bá rộng rãi; đặc biệt tập thơ thiếu nhi “Chú sóc và cây sấu” gồm 37 bài được xuất bản dịch ra tiếng Anh và tiếng Đức.
Việc xây dựng, phát triển hội viên và văn học, nghệ thuật quần chúng được các địa phương trong tỉnh chú trọng. Toàn tỉnh đã thành lập được 05 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ cấp huyện và 346 đội văn nghệ quần chúng. Từ 5 hội viên giai đoạn trước khi thành lập Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh (giai đoạn 1975 – 1997), đến nay đã có 130 hội viên ở 09 chuyên ngành (văn học, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, nghiên cứu sưu tầm, nhiếp ảnh, sân khấu biểu diễn, múa).
Dù trải qua nhiều giai đoạn phát triển, dòng mạch chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật của tỉnh vẫn gắn bó mật thiết với con người, gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa truyền thống, đồng thời phản ánh những chuyển động không ngừng của đời sống xã hội. Những thành tựu về văn học, nghệ thuật của tỉnh sau 50 năm đất nước thống nhất đã tạo động lực, cổ vũ, động viên Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần khơi dậy khát vọng phát triển trên quê hương Bắc Kạn.
Tuy nhiên, văn học, nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn cũng đứng trước nhiều khó khăn, nhất là tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trực tiếp tạo ra thách thức trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; tác động về sự phát triển của công nghệ và truyền thông số trong việc xuất bản các ấn phẩm điện tử, ứng dụng AI để sáng tạo, quảng bá tác phẩm; tác động về sự thay đổi thị hiếu của công chúng trong việc tiếp nhận các sáng tác văn học, nghệ thuật…
Do đó, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh trong thời gian tới phải luôn bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, văn nghệ nói chung để biến những thách thức nêu trên trở thành động lực cho sự phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh; nâng cao năng lực chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, năng lực quản lý của chính quyền để văn hóa, văn học, nghệ thuật vừa phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân với mục đích đúng đắn; coi trọng bồi dưỡng, có cơ chế chính sách để phát triển cán bộ làm công tác văn hóa, lực lượng văn nghệ sĩ; tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác để góp phần nâng cao chất lượng văn học, nghệ thuật tỉnh nhà./.
Lưu Ngọc Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bắc Kạn
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/van-hoc-nghe-thuat-bac-kan-sau-ngay-dat-nuoc-thong-nhat-thanh-tuu-va-thach-thuc-post70762.html