Sau 50 năm đất nước thống nhất, hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật ở Đắk Lắk có thêm nhiều tác phẩm mới có chất lượng, nêu cao chủ nghĩa yêu nước và đậm chất nhân văn, khai thác được vốn văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Tỉnh đã sưu tầm và thống kê được hàng trăm sử thi Ê Đê và M’nông, truyện cổ, hàng nghìn lời cúng trong các nghi lễ của bà con. Cấp phát hàng trăm bộ chiêng và trang phục truyền thống; phục dựng, tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch. Tại hội thảo thống nhất nhận định, sự đa sắc trong bức tranh văn hóa của các dân tộc đã tạo nên ở Đắk Lắk sự phát triển phong phú của văn học nghệ thuật.
Hội thảo khoa học là một trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm nền văn học nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất
Ông Nguyễn Văn Cừ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Ea Sup cho rằng, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển văn học nghệ thuật, cũng nên kết hợp phát triển du lịch gắn với kinh tế.
“Lấy văn hóa làm kinh tế và tiếp đó thì lấy văn hóa nuôi văn hóa. Xây dựng du lịch huyện Ea Sup, tham quan hồ E Sup thượng, tháp Giang Prong, thăm bà con 5 buôn ở thị trấn Ea Sup với dàn cồng chiêng phục vụ ẩm thực, văn hóa, lễ hội kết hợp để bà con phát triển kinh tế của hộ gia đình, từ đó tạo một vòng tuần hoàn khép kín, đó là kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội phát triển và ổn định toàn diện” - ông Nguyễn Văn Cừ đề xuất.
Đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nêu lên vấn đề cần quan tâm trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh sau 50 năm Ngày thống nhất đất nước, đánh giá việc giới thiệu, quảng bá và sự lan tỏa, thẩm thấu các tác phẩm văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh đến với công chúng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh trong thời gian tới.
Văn học nghệ thuật Đắk Lắk đồng hành cùng đất nước qua các giai đoạn lịch sử
Ông Trần Doãn Tới, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, những ý kiến tham luận, góp ý của các đại biểu là những nguồn thông tin, tư liệu quý để tỉnh tiếp tục xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp định hướng phát triển văn học nghệ thuật trong thời gian tới.
“Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy để có sự chỉ đạo kịp thời, thông qua đó làm tốt hơn nữa Nghị quyết số 23 về văn học nghệ thuật. Và khi mà chúng ta bước vào một kỷ nguyên vươn mình, hợp nhất về mặt không gian địa lý, chắc chắn rằng sẽ có nhiều sự đổi mới phong phú hơn về mặt văn học nghệ thuật và văn hóa, triển khai và phát huy sức mạnh tổng hợp văn hóa của vùng núi và sự hài hòa trong công tác văn hóa nghệ thuật của vùng duyên hải Nam Trung Bộ khi mà chúng ta tiến hành hợp nhất” - ông Trần Doãn Tới cho hay.
H Xíu/VOV-Tây Nguyên