Vành đai 4 TP.HCM: Lúng túng vì Bình Dương làm khác các tỉnh thành còn lại

Vành đai 4 TP.HCM: Lúng túng vì Bình Dương làm khác các tỉnh thành còn lại
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 16/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và TP.HCM về công tác phối hợp, thực hiện các thủ tục triển khai dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Tại buổi làm việc, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay, các địa phương đang phối hợp để thực hiện nhanh hồ sơ báo cáo tiền khả thi của dự án. TP.HCM là đơn vị được giao chủ trì phối hợp với các tỉnh để thực hiện dự án này.
Ông Lâm cho biết, với những vấn đề Bộ GTVT góp ý, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI và các tư vấn thành phần đang phối hợp nghiên cứu, cụ thể là rà soát lại các nút giao; rà soát hướng tuyến, chi phí đầu tư, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chuẩn cao tốc.
Đáng chú ý, ông Lâm cho biết, ngoại trừ tỉnh Bình Dương, bốn tỉnh thành còn lại đều rất tích cực nghiên cứu dự án thành phần.
Theo ông Lâm, ở dự án này, tỉnh Bình Dương chưa tuân thủ yêu cầu Quy chuẩn kỹ thuật về đường bộ cao tốc; chưa bổ sung hạng mục cầu Thủ Biên vào dự án thành phần Vành đai 4 trên địa phận tỉnh Bình Dương và phương án tài chính chưa đồng bộ (thông số đầu vào chưa đồng bộ với dự án thành phần của các địa phương khác).
"Những vấn đề này đã được Sở GTVT các địa phương họp trao đổi rất nhiều nhưng cả tháng trôi qua mà vẫn chưa thống nhất được, chúng tôi rất sốt ruột vì sợ ảnh hưởng tiến độ thực hiện thủ tục chung của toàn bộ dự án Vành đai 4", ông Lâm nói.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho rằng, ngoại trừ tỉnh Bình Dương, bốn tỉnh thành còn lại đều rất tích cực nghiên cứu dự án thành phần Vành đai 4. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Để kịp tiến độ chung của các tỉnh, ông Lâm cho rằng, có hai vấn đề lớn cần tập trung giải quyết. Đầu tiên, dự án thành phần của tỉnh Bình Dương cần phải rà soát, điều chỉnh theo chuẩn cao tốc. Thứ hai, các thông số đầu vào về dự báo lưu lượng, bố trí nút giao cũng như các thông số của phương án tài chính phải có sự thống nhất chung, tổng thể.
"Tỉnh Bình Dương cho biết dự án Vành đai 4 đoạn qua tỉnh này đã thông qua HĐND, duyệt dự án nên không thay đổi theo tổng thể. Đây là thực tế rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn làm sao để có một quy chuẩn chung. Dự án đường Vành đai 4 rất chiến lược, nếu không đảm bảo được tiêu chuẩn thì đáng tiếc", ông Lâm nói.
Vành đai 4 qua tỉnh Bình Dương có chiều dài 43km, trong đó khoảng 31km là tuyến mới, sẽ thực hiện theo chuẩn cao tốc của Vành đai 4, giai đoạn 1 có 4 làn xe.
Tuy nhiên, có 12km cuối tuyến giáp TP.HCM là đường hiện hữu qua đô thị 4 làn xe, với 5 giao lộ giao cắt đồng mức. Nếu triển khai theo phương án này, có một đoạn qua tỉnh Bình Dương sẽ không đồng bộ theo chuẩn cao tốc của Vành đai 4.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đưa ra hai phương án giải quyết. Nếu đồng ý thực hiện theo quy chuẩn chung cùng các tỉnh, đề nghị tỉnh Bình Dương chỉ đạo tư vấn tập trung hoàn chỉnh để đảm bảo chung về chuẩn cao tốc; thông số đầu vào và tài chính.
Nếu Bình Dương vẫn theo chủ trương đầu tư để đảm bảo tiến độ, đề nghị để riêng dự án của tỉnh này ra, có báo cáo chung nhưng không có chủ trương chung, xử lý sau.
Ông Lâm đề nghị tỉnh Bình Dương phải có ý kiến, lựa chọn phương án sớm để tránh chậm mất cơ hội của các tỉnh còn lại.
Đường Vành đai 4 TP.HCM tại Bình Dương. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Lắng nghe báo cáo của Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm và các địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng, tỉnh Bình Dương cần hết sức lưu ý câu chuyện đồng bộ tổng thể dự án Vành đai 4.
Theo Thứ trưởng, toàn bộ tuyến Vành đai 4 cần sự đồng bộ cả về làn xe, mức thu phí lẫn tốc độ. Dự án đường đầu tư theo hình thức PPP, vì vậy người dân trả phí thì phải được hưởng dịch vụ tốt nhất.
Mặt khác, theo Thứ trưởng, nếu sau 10 năm, tuyến đường quá tải, các tỉnh thành khác mở rộng lên 8 làn xe (theo phân kỳ đầu tư), trong khi tỉnh Bình Dương đã chốt quy hoạch 4 làn xe, lúc đó không thể mở rộng sẽ là một hạn chế lớn.
Vì vậy, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh Bình Dương hết sức lưu ý, cần thiết sự đồng bộ về dự án, chi phí, tiêu chuẩn kỹ thuật và đồng bộ để sau này đầu tư, nâng cấp mở rộng theo quy hoạch.
Tiếp thu các ý kiến, ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, trong tuần này, UBND tỉnh Bình Dương sẽ có cuộc họp rà soát lại dự án Vành đai 4 TP.HCM, sau đó sẽ có báo cáo đến UBND TP.HCM (đơn vị được giao chủ trì phối hợp của dự án) và các tỉnh liên quan. Sau đó, trên cơ sở này, các đơn vị liên quan sẽ trình Bộ GTVT và trình Quốc hội vào cuối năm nay.
Dự án Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 206,72km (Bà Rịa - Vũng Tàu: 18,23km; Đồng Nai: 45,54km; Bình Dương: 47,95km; TPHCM: 16,70km; Long An: 78,3km (trong đó đoạn trên địa bàn tỉnh Long An là 74,5km, đoạn trên địa bàn TP.HCM là 3,8km)).
Giai đoạn 1, toàn dự án sẽ thực hiện GPMB một lần theo quy hoạch được duyệt. Tuyến vành đai 4 TP.HCM dự kiến có quy mô 4 làn xe cao tốc, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, 23 nút giao và có đường song hành, đường dân sinh 2 bên theo nhu cầu giao thông từng địa phương.
Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 136.948 tỷ đồng (dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 49.902 tỷ đồng, dự kiến vốn ngân sách địa phương khoảng 37.028 tỷ đồng).
Trong dự án này, UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền để chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương tổ chức lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4, kèm các cơ chế chính sách đặc thù, kịp thời trình Quốc hội vào kỳ họp chuyên đề cuối năm 2024.
Mỹ Quỳnh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/vanh-dai-4-tphcm-lung-tung-vi-binh-duong-lam-khac-cac-tinh-thanh-con-lai-192241016204938066.htm