'Vành đai lửa' thành khu đô thị vùng biên giới Đồng Tháp Mười

'Vành đai lửa' thành khu đô thị vùng biên giới Đồng Tháp Mười
6 giờ trướcBài gốc
Nhân chứng sống của "Vành đai lửa"
Đại tá Dương Văn Thương (Tư Thương) và Thượng tá Lê Minh Đường (Đà Giang), những nhân chứng lịch sử của "Vành đai lửa Kiến Tường" nay vẫn gắn bó với nơi này.
Thượng tá Lê Minh Đường, nguyên cán bộ tác chiến - Chính trị viên Đại đội 3- Tiểu đoàn 504 – Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 738 và ông Tư Thương
Nhớ lại thời khắc 50 năm trước, Thượng tá Lê Minh Đường, nguyên cán bộ tác chiến, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 504 bồi hồi: Đầu năm 1975, Tiểu đoàn 5 và du kích địa phương được giao nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn 5 chủ lực, tiến vào Kiến Tường, cắt đứt Tỉnh lộ 29, bao vây tiểu khu Kiến Tường, cô lập quân địch.
Phát súng đầu tiên vang lên, quân ta tấn công đoàn xe địch, buộc chúng lập cầu hàng không chống trả. Dù chịu nhiều hy sinh mất mát, nhưng quân đội ta vẫn tiếp tục bao vây chi khu Kiến Bình, Kinh Quận, buộc địch đầu hàng.
“Trong lúc đó, giữa Tuyên Nhơn và Kiến Bình có đồn cá tôm, chúng tôi vào đánh, giải phóng đồn này vào đêm 28 rạng ngày 29/4/1975 thì họ đầu hàng. Sau khi chiếm đồn cá tôm thì quận Kiến Bình sáng ngày đầu hàng. Tiếp đó tỉnh chỉ đạo chúng tôi hành quân về bao vậy Kinh Quận, nơi cuối cùng ven tỉnh Kiến Tường chưa chịu đầu hàng. Đêm 29 chúng tôi nhận được tín hiệu họ đầu hàng, sáng ngày 30 chúng tôi kêu gọi hơn 200 người ở đây trình diện rồi nhanh chóng đưa quân tiến vào và áp sát tỉnh lỵ Kiến Tường”, Thượng tá Lê Minh Đường nhớ lại.
Đại tá Dương Văn Thương cho biết, từ năm 1974, chiến trường Kiến Tường phát triển mạnh mẽ với nhiều trận thắng vang đội, tạo đà cho mùa khô 1974-1975.
Đại tá Dương Văn Thương kể lại trận đánh Kiến Tường
Đêm 29/4/1975, Tỉnh ủy Long An chỉ đạo các lực lượng tấn công. Đơn vị ông Thương được giao nhiệm vụ đưa Sư đoàn 5 tiến về Mộc Hóa - Kiến Tường.
Lúc này, địch vẫn giữ Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và 2 sư đoàn thiết giáp để giữ thị xã Mộc Hóa và các điểm then chốt.
Nắm thời cơ, quân ta chiếm cứ điểm 75 (Vùng 6). Tiểu đoàn 504 đánh chiếm lộ 26, lộ 29 (Tân Hòa), được lệnh phối hợp lực lượng vũ trang Vùng 4 tấn công, bức hàng địch ở cứ điểm Kinh Quận, đồn Bắc Hòa, tiến sát thị xã, kêu gọi Tỉnh trưởng Kiến Tường đầu hàng.
“Ban Chỉ huy quân sự tỉnh giao cho tôi phụ trách đơn vị cắt đứt lộ 29 không cho người và xe của Trung đoàn 10 – Trung đoàn 7 của địch tháo chạy về tập trung lại ở căn cứ của họ ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Lúc đó hướng của Kiến Tường dùng hết lực lượng của tỉnh, huyện và xã cùng với Sư đoàn 5 của ta gia tăng lực lượng giải phóng Kiến Tường và góp phần vào Chiến dịch Hồ Chí Minh”, Đại tá Dương Văn Thương kể lại.
Khi Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Tỉnh trưởng Kiến Tường cũng đầu hàng và thông báo cho các lực lượng, các đơn vị thuộc quyền hạ vũ khí. Kiến Tường hoàn toàn giải phóng vào ngày 1/5/1975.
Thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười
Diện mạo mới của thị xã vùng biên
Sau thống nhất, huyện Mộc Hóa (Kiến Tường cũ) gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, địa phương được điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa mới.
Từ một địa phương khó khăn, 10 năm qua, Kiến Tường đẩy mạnh đô thị hóa, kéo vùng biên gần hơn với thành thị. Hiện Kiến Tường là đô thị loại III.
Chính quyền địa phương tập trung phát triển đô thị, nâng cấp, đầu tư các công trình trọng điểm: Khu trung tâm thương mại biên giới, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, hệ thống giao thông và hạ tầng khác.
"Vành đai lửa” thành khu đô thị vùng biên giới Đồng Tháp Mười
Sự kết hợp hiệu quả giữa công nghiệp hóa và phát triển hậu công nghiệp giúp Kiến Tường khai thác hiệu quả giá trị sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, tạo cấu trúc đô thị đa chức năng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch đô thị.
Ông Trần Văn Bảy, người dân Phường 3, thị xã Kiến Tường chia sẻ: “Tôi cảm nhận được là bà con được hưởng lợi rất nhiều, thứ nhất là trường học được khang trang, đầy đủ cho các em học sinh. Thứ hai là đường xá đều đã được tráng nhựa cả đường ra đồng, kể cả đường nội đồng để bà con sản xuất. Khi đường xá thông thương giúp vận chuyển hàng cho đỡ bớt chi phí vận chuyển, tăng lợi nhuận cho bà con. Cũng như mỹ quan đô thị, an ninh trật tự cũng như văn hóa xã hội được nâng cao... bà con rất phấn khởi”.
Ông Lê Thanh Tâm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An
Ông Lê Thanh Tâm (Lê Thanh Long - Tư Tâm), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết: Từ vùng đất cỏ dại, sình lầy, nhờ khai hóa và gieo trồng, Kiến Tường giờ là đô thị trung tâm của Đồng Tháp Mười, với khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế, cánh đồng lúa chín vàng.
Giờ đây, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh... được nhắc đến, vùng đất năng động, sáng tạo, đang đô thị hóa nhanh chóng. Những ngôi nhà khang trang, đô thị kết nối liên vùng, những tuyến đường từ Cảng Quốc tế Long An đến cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, trung tâm Đồng Tháp Mười, kết nối với Campuchia.
“Ngày trước không ai dám lên Đồng Tháp Mười, nhưng nay dân cư rất đông đúc, người dân ở trong từng cụm tuyến dân cư rất ổn định an tâm. Có thể nói đó cũng nhờ chủ trương, công lao của Chính phủ đã giúp cho Kiến Tường và khu vực Đồng tháp Mười hôm nay tươi sáng hơn, yên ổn và vững chắc hơn”, ông Lê Thanh Tâm tự hào.
Long An, cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, giáp TPHCM. 50 năm qua, Long An hứng chịu nhiều mất mát, khó khăn từ cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Từ nghèo nàn, lạc hậu, hoang tàn, địa phương này đã vươn lên mạnh mẽ. Đảng bộ và nhân dân Long An, trong đó có vùng biên giới Đồng Tháp Mười đã không ngừng vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, giàu đẹp hơn.
Nguyễn Quang/VOV -TPHCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/vanh-dai-lua-thanh-khu-do-thi-vung-bien-gioi-dong-thap-muoi-post1162811.vov