Vào 'đầu não' giám sát giao thông ở TP.HCM những ngày cuối năm

Vào 'đầu não' giám sát giao thông ở TP.HCM những ngày cuối năm
3 giờ trướcBài gốc
Nằm ngay đầu hầm Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM), Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (Sở GTVT) hoạt động liên tục 24h mỗi ngày để thực hiện các nhiệm vụ giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm, mô phỏng giao thông...
Trung tâm đang được vận hành liên tục với 3 ca làm việc, mỗi ca kéo dài 8 tiếng. Hiện, đơn vị cũng đang quản lý khoảng 800 camera giám sát trên các tuyến đường, cùng hệ thống 50 màn hình độ phân giải cao trong phòng giám sát, đảm bảo theo dõi và điều phối giao thông hiệu quả.
Anh Nguyễn Kỳ Nam, đội trưởng đội vận hành giám sát giao thông cho biết, từ ngày 1/1, chức năng điều khiển đèn tín hiệu được giao cho lực lượng CSGT TP.HCM. Đơn vị sẽ tiếp tục giám sát giao thông, thông báo đến các nhóm phản ứng nhanh về tai nạn hoặc các sự cố khác... Cũng từ mốc thời gian này, Trung tâm sẽ chia sẻ thông tin về các trường hợp vi phạm tốc độ, tải trọng cho CSGT để đơn vị này sử dụng kết quả xử lý vi phạm.
Hệ thống của trung tâm vẫn tiếp tục thu thập dữ liệu về mật độ lưu thông, vận tốc, các loại phương tiện, để đưa ra gợi ý vận hành, các kịch bản trong ngày phù hợp... và chuyển cho lực lượng CSGT để điều khiển đèn trên địa bàn TP.
Nói về tình hình giao thông từ thời điểm áp dụng Nghị định 168/2024, anh Kỳ Nam đánh giá người dân TP đã có sự chuyển biến tích cực. So sánh tại một số giao lộ thời điểm trước và sau khi áp dụng luật mới, có thể thấy số lượng người dân đi ngược chiều, đi trên vỉa hè, vượt đèn đỏ... giảm đáng kể.
Trong ảnh, đoạn giao lộ Phan Đình Phùng - Nguyễn Trọng Tuyển trước khi NĐ168 (bên trái người dân đi ngược chiều để vượt lên phía trước. Ảnh bên phải, sau khi NĐ168 có hiệu lực người đi đường chấp hành nghiêm túc dừng đèn đỏ.
Tại các đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ đang áp dụng giải pháp kỹ thuật số song sinh Digital Twin có ứng dụng AI thế hệ mới. AI sẽ đo đếm, phân loại phương tiện trên đường, phân tích, mô phỏng hành vi, tình trạng giao thông thực tế rồi đưa ra dự báo chuyển biến trong 15-20 phút sắp tới. Từ đó, đưa ra kịch bản về thời gian đèn xanh, vàng, đỏ cho từng chốt giao thông, đảm bảo dòng phương tiện lưu thông lớn nhất, tránh ùn tắc.
Sau khi AI gợi ý các kịch bản, nếu người vận hành xác nhận đồng ý sử dụng, hệ thống sẽ áp dụng. Ngược lại, người vận hành thấy chưa phù hợp, nhấn không đồng ý, hệ thống sẽ chạy theo kịch bản cũ. Trong thời gian này, AI vẫn sẽ thu thập, học, đề xuất kịch bản mới.
"Sau gần 2 tháng ứng dụng AI trên các tuyến đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, chúng tôi thấy kết quả rất khả quan. AI đáp ứng được việc điều khiển lưu lượng phương tiện thực tế hằng ngày, thay đổi theo các khung giờ khác nhau. Tốc độ lưu thông của phương tiện cũng tăng lên đáng kể. Trong ảnh, phương tiện di chuyển đông đúc tại nút giao Mai Chí Thọ - Lương Định Của", anh Nam nói.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục xem xét mở rộng việc ứng dụng công nghệ AI trong điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm TP.HCM, các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông.
Trước tình trạng ùn tắc tại một số nút giao khi người dân tuân thủ Nghị định 168 về không rẽ phải khi đèn đỏ, đơn vị dự kiến bổ sung đèn tín hiệu giao thông cho phép rẽ phải, rẽ trái tại một số giao lộ. Đồng thời, phối hợp với Công an TP.HCM xây dựng quy chế quản lý, vận hành hệ thống đèn tín hiệu, nhằm tăng hiệu quả điều phối và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Mỹ Quỳnh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/vao-dau-nao-giam-sat-giao-thong-o-tphcm-nhung-ngay-cuoi-nam-192250110175140802.htm