Vào mùa gặt, quốc lộ lại biến thành sân phơi

Vào mùa gặt, quốc lộ lại biến thành sân phơi
9 giờ trướcBài gốc
Nông dân Thanh Hóa phơi thóc trên quốc lộ.
Giữa trưa tháng 5, nắng chiếu bỏng rát mặt đường. Trên quốc lộ 47 - tuyến huyết mạch kết nối thành phố Thanh Hóa với các huyện phía tây của tỉnh, những vạt thóc mới gặt vàng ươm trải dài mặt đường nhựa. Lẫn giữa đó là những ụ lúa còn xanh chất đống hai bên đường. Máy tuốt cũng hoạt động ngay trên quốc lộ, hòa vào cảnh phơi phóng lộn xộn, khiến con đường gần như bị chiếm trọn.
Chiếc xe giảm tốc gần một nửa so với giới hạn cho phép. Bác tài làu bàu: “Bát nháo thế này chết người lúc nào không biết!”. Miệng than phiền, nhưng tay vẫn cẩn thận đánh lái, cho xe luồn lách chậm rãi giữa hai mép lúa trải ven đường, cố tránh không làm xáo trộn “sân phơi” bất đắc dĩ của bà con.
Khi được hỏi, một phụ nữ tên Phương đang đảo lúa bên vệ đường trả lời: “Cũng ngại đấy, nhưng không phơi đây thì em phơi đâu? Sân nhà không có, ruộng thì ướt, không tranh thủ phơi nhanh là mốc hết thóc”. Câu trả lời chắc nịch như thể lý lẽ đã được chuẩn bị sẵn từ lâu. Một cụ ông gần đó chen vào: “Mỗi năm có vài ngày, có phải phơi suốt đâu!”.
Thóc, lúa, phương tiện bủa vây lòng đường.
Dưới lớp thóc vàng là mặt nhựa đường xanh xám. Nắng gắt làm mọi thứ trở nên nhễ nhại. Cảnh tượng ấy lặp lại mỗi mùa gặt, nhiều lần đến mức chẳng còn ai thấy lạ. Trật tự công cộng, nếu vẫn tồn tại ở đây, có lẽ đã bị lẫn vào bụi thóc trong những ngày gặt lúa hối hả này.
Phơi lúa giữa quốc lộ không phải vấn đề riêng của Thanh Hóa. Nhiều vùng nông thôn ở Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh, rồi cả các tỉnh thành khác trên cả nước, đều trải qua cảnh tượng tương tự. Cứ mỗi mùa gặt đến, đường sá lại hóa thành “sân phơi tự phát”. Có nơi còn treo khẩu hiệu rõ ràng: “Không phơi lúa trên quốc lộ”. Nhưng khẩu hiệu thì nằm trên bảng, còn lúa thì vẫn trải trên đường. Như thể lời khuyên thì có, nhưng thói quen vẫn thắng, dưới nắng, trước mắt mọi người.
Một cán bộ cấp xã ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cho biết: “Tuyên truyền trên loa mãi rồi. Người dân biết là sai quy định, nhưng nếu xử lý mạnh tay thì lại ảnh hưởng đến an sinh, nhất là với hộ nghèo không có sân phơi. Muốn làm triệt để thì phải có chỗ phơi thay thế. Giờ xã cũng chỉ nhắc nhở là chính”. Một câu trả lời tưởng như thấu tình đạt lý, nhưng quen thuộc đến mức có thể dùng lại nguyên xi vào mùa gặt năm sau, và biết đâu cả nhiều năm nữa.
Lâu nay, có những hành vi sai nhưng được số đông thực hiện nhiều đến mức trở thành bình thường. Phơi lúa trên quốc lộ là một trong số đó. Bởi vì ai cũng làm, nên không ai thấy mình sai. Vì "chỉ vài hôm", vì "thông cảm cho nông dân", nên kỷ cương và sự an toàn được gác sang một bên.
“Em trai của em năm ngoái cũng bị gãy tay do vấn nạn phơi lúa này. Hắn né cái cào của người dân nên xe trượt bánh, chống tay xuống đất”, chị Lê Thị Ngọc, hành khách trên cùng chuyến xe từ huyện Thọ Xuân về thành phố Thanh Hóa chia sẻ. Đâu đó xảy ra tai nạn, nhưng sau vài bản tin báo chí và dăm ba ngày xôn xao, mọi chuyện lại trở về như cũ.
Nhộn nhịp cảnh phơi thóc lúa giữa trưa hè.
Xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay. Đường làng được bê tông hóa, điện sáng về tới ngõ, cây xanh được trồng, hàng rào được dựng. Nhưng đôi khi, chỉ vì thiếu một sân phơi đủ dùng - hoặc có rồi nhưng không phát huy được - mà cả xã lại phải “tạm dùng” quốc lộ làm nơi hong lúa. Điều đó cho thấy, bên cạnh hạ tầng, vẫn còn những bài toán chưa được giải: làm sao để người dân sử dụng không gian chung một cách hợp lý, an toàn và văn minh, ngay cả trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Văn minh là không dùng không gian công cộng để phục vụ mục đích riêng, dù chỉ vài ngày. Nếu hôm nay xã hội chấp nhận chuyện phơi lúa trên quốc lộ, thì ngày mai cũng sẽ chấp nhận chuyện chiếm vỉa hè làm bãi đỗ xe, xả rác ra kênh mương, dựng rạp đám ma, đám cưới giữa đường. Những cái tạm bợ cho xong bấy lâu ngày sẽ thành một hệ giá trị sống. Một cộng đồng không phân định rõ ranh giới giữa quyền lợi và trách nhiệm, giữa cá nhân và tập thể, thì sẽ không bao giờ phát triển bền vững.
Phơi lúa chỉ là chuyện nhỏ, nhưng từ đó bộc lộ sự thiếu chặt chẽ trong duy trì kỷ cương, cùng với cách xử lý mang tính tạm thời thay vì giải quyết tận gốc. Đường là để đi, sân là để phơi. Khi hai điều đơn giản ấy bị trộn lẫn, mất đi không chỉ là an toàn giao thông mà còn là dấu hiệu cho thấy việc xây dựng trật tự xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.
Để xây dựng một nếp sống kỷ cương và bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa việc thực thi luật pháp, ý thức tự giác của người dân và vai trò then chốt của chính quyền địa phương. Chỉ khi cả ba yếu tố vận hành nhịp nhàng, những thói quen sai lệch mới có thể được thay đổi.
BÙI THÁI BÌNH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/vao-mua-gat-quoc-lo-lai-bien-thanh-san-phoi-post881143.html