Suốt nhiều năm qua, việc đảm bảo chỗ ở ổn định cho người dân, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Quá trình triển khai Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021–2030 đã có bước tiến nhất định, nhưng thực tế vẫn còn nhiều "trăn trở" cần được nhìn nhận và tháo gỡ bằng một tư duy mới, toàn diện và thực chất hơn.
Phát triển nhà ở xã hội cách xa mục tiêu đề ra
Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), sau hàng loạt chính sách và cam kết, kết quả triển khai vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra. Một loạt tồn tại chưa được khắc phục đang làm giảm tính khả thi của đề án:
Thứ nhất, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội vẫn còn hạn hẹp. Nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất hợp lý, hoặc có bố trí nhưng lại thiếu hạ tầng, không phù hợp để triển khai. "Phần lớn chủ đầu tư phải tự tìm quỹ đất, tự giải phóng mặt bằng, vừa tốn kém vừa khó khả thi", VARS cho biết.
Thứ hai, thủ tục đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư còn phức tạp. Dù là dự án an sinh nhưng lại "không khác biệt nhiều so với dự án nhà ở thương mại, thậm chí còn phức tạp hơn". Các bước thẩm định đặc thù như phê duyệt giá bán, xét duyệt đối tượng thụ hưởng khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại tham gia.
Phát triển nhà ở xã hội cách xa mục tiêu đề ra tại đề án 1 triệu căn.
Thứ ba, cơ chế tín dụng và nguồn vốn chưa phù hợp. VARS đánh giá, lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn cao, thời hạn vay ngắn, không phù hợp với năng lực tài chính của người mua và cả chủ đầu tư. Trong khi đó, chưa có nguồn vốn trung-dài hạn ổn định từ ngân sách hay các quỹ phát triển nhà ở, khiến việc đầu tư thiếu tính bền vững.
Ngoài ra, quá trình triển khai còn gặp khó do thiếu cơ chế hỗ trợ tại địa phương, sự phối hợp chưa đồng bộ, công tác xác định đối tượng thụ hưởng còn lúng túng. VARS cho rằng, một số nhóm thực sự khó khăn như lao động thời vụ, công nhân trẻ, người thu nhập gần ngưỡng lại chưa tiếp cận được chính sách do các tiêu chí chưa phù hợp thực tiễn.
VARS đề xuất cần một tư duy mới và hành động cụ thể từ các cấp chính quyền.
"Phát triển nhà ở xã hội không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của một vài doanh nghiệp hoặc chỉ là mục tiêu trong các văn bản quy hoạch, mà đòi hỏi phải có một chiến lược toàn diện, dài hạn và có hiệu quả thi hành cao từ các cấp chính quyền", VARS nhấn mạnh.
Cần thay đổi toàn diện tư duy phát triển nhà ở xã hội
Từ những vấn đề còn hiện diện trên, VARS đã nêu hàng loạt đề xuất từ nhiều khía cạnh:
Về quỹ đất, cần quy hoạch, bố trí quỹ đất rõ ràng, áp dụng cơ chế BT, PPP, đổi đất lấy hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp có sẵn quỹ đất đưa vào phát triển nhà ở xã hội.
Về thủ tục, phải rút gọn quy trình, cho phép chỉ định thầu minh bạch, hậu kiểm thay vì tiền kiểm với các nội dung không cốt lõi.
Về nguồn vốn, nên thành lập các quỹ phát triển nhà ở xã hội cấp Trung ương và địa phương, huy động từ quỹ đất, ngân sách, doanh nghiệp và khu công nghiệp; đồng thời thúc đẩy mô hình quỹ tín thác bất động sản.
Về chính sách địa phương, phải chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển nhà cho thuê, lựa chọn đúng nhóm đối tượng có nhu cầu thật, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi chính sách.
Về chính sách đầu ra, cần minh bạch, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt người mua/thuê nhà, có chính sách hỗ trợ thuê – thuê mua và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở xã hội.
Theo VARS, chỉ khi nào nhà ở xã hội thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong quy hoạch đô thị, có tính hấp dẫn đối với doanh nghiệp, dễ tiếp cận với người dân và có cơ chế vận hành ổn định, khi đó đề án mới đạt kết quả cao và góp phần xây dựng một xã hội phát triển hài hòa, nhân văn và bền vững.
Nguyễn Hồng Nhung