Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đối với Dự thảo quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công thương.
Theo đó, VCCI đề xuất bãi bỏ các giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, với lý do không còn phù hợp và không mang tính đặc thù của ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
VCCI kiến nghị Bộ Công thương cân nhắc bãi bỏ giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu.
VCCI cho rằng, rượu là mặt hàng thực phẩm và đang được kiểm soát theo các quy định an toàn thực phẩm, bao gồm yêu cầu về công bố sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc… Khi lưu thông trên thị trường, các sản phẩm rượu đã phải đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt như các thực phẩm khác. Do đó, việc áp thêm giấy phép kinh doanh đối với các khâu phân phối, bán buôn, bán lẻ là không cần thiết.
Tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP, các hoạt động phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu hiện nay đều phải xin cấp giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, các điều kiện kinh doanh đối với những hoạt động trên gần như không có tính đặc thù cần thiết để được xem là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, như quy định tại khoản 1, Điều 7 Luật Đầu tư 2020.
Cụ thể, đối với hoạt động phân phối rượu, doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối tại ít nhất hai tỉnh, mỗi tỉnh có ít nhất một thương nhân bán buôn hoặc chi nhánh. Yêu cầu này, theo VCCI, mang tính áp đặt và không cần thiết, bởi việc tổ chức hệ thống phân phối nên để doanh nghiệp tự quyết định, tùy theo mô hình kinh doanh và biến động thị trường. Không có lý do rõ ràng nào để bắt buộc phải có hệ thống ở hai tỉnh hoặc ít nhất một thương nhân bán buôn tại mỗi tỉnh.
Bên cạnh đó, yêu cầu phải có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà cung cấp rượu ngay tại thời điểm xin giấy phép cũng được cho là bất hợp lý. "Trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục, nhà cung cấp có thể thay đổi thường xuyên. Việc mỗi lần thay đổi lại phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép sẽ tạo ra gánh nặng thủ tục không cần thiết", VCCI phân tích.
Hơn nữa, điều kiện "có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng" đối với bán lẻ rượu cũng bị cho là thiếu tính đặc thù, vì đây vốn là yêu cầu chung cho hầu hết các hoạt động kinh doanh hiện nay.
VCCI cũng nhấn mạnh, các điều kiện kinh doanh hiện hành không trực tiếp kiểm soát yếu tố nào có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, an ninh trật tự hay môi trường, những yếu tố cần thiết để một ngành nghề bị xếp vào nhóm kinh doanh có điều kiện.
Do đó, VCCI kiến nghị Bộ Công thương cân nhắc bãi bỏ giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu, nhằm phù hợp với tinh thần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Kim Oanh