Gỡ độc quyền vàng miếng: Doanh nghiệp lo 'giấy phép con'

Gỡ độc quyền vàng miếng: Doanh nghiệp lo 'giấy phép con'
6 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, doanh nghiệp lo ngại điều kiện cấp phép và các quy định kiểm soát nhập khẩu vàng có thể phát sinh “giấy phép con”, gây cản trở hoạt động kinh doanh.
Phải đưa thị trường vàng vận động phù hợp với các nguyên tắc của thị trường. Ảnh: LÊ VŨ
Xóa độc quyền, cấp phép có điều kiện
Từ năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành tổng kết hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP và chuẩn bị cho việc sửa đổi. Tuy nhiên, phải tới đầu tháng 6-2025, dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP mới được công bố. Động thái này diễn ra chỉ sau một tháng kể từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm, trong cuộc làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, yêu cầu: phải đưa thị trường vàng vận động phù hợp với các nguyên tắc của thị trường; xóa bỏ cơ chế độc quyền nhà nước về sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát; bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp…
Từ định hướng này, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (sau đây gọi là dự thảo), NHNN đề xuất bãi bỏ quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thay vào đó, sản xuất vàng miếng được xếp vào dạng kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp phép.
Dự thảo quy định rõ hai nhóm đối tượng được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, gồm doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, với các điều kiện cụ thể. Doanh nghiệp cần đáp ứng đồng thời bốn điều kiện: (1) có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; (2) vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng; (3) không bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh vàng, hoặc nếu từng vi phạm thì đã khắc phục xong hậu quả và thực hiện đầy đủ kết luận thanh tra, kiểm tra; (4) có quy trình nội bộ về sản xuất vàng miếng. Đối với tổ chức tín dụng, tiêu chí tương tự, tuy nhiên yêu cầu mức vốn điều lệ cao hơn, từ 50.000 tỉ đồng trở lên. Theo NHNN, các điều kiện cấp phép nhằm lựa chọn các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật để sản xuất vàng miếng, đồng thời, giúp Nhà nước vẫn quản lý, kiểm soát được hoạt động này.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định: căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ và diễn biến cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN sẽ cấp hạn mức hàng năm và giấy phép từng lần xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã được cấp phép sản xuất vàng miếng. Đồng thời, nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong giao dịch mua, bán vàng, dự thảo yêu cầu các giao dịch mua - bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên bắt buộc phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Doanh nghiệp lo ngại “giấy phép lồng giấy phép”
Góp ý điều kiện cấp phép sản xuất vàng miếng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp phải đồng thời có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là chưa hợp lý. Theo VCCI, sản xuất và mua - bán là hai loại hình hoạt động khác nhau trong chuỗi cung ứng. Trong đó, sản xuất thuộc về khâu đầu, mang tính chất công nghiệp, còn mua - bán là hoạt động thương mại ở khâu phân phối. Việc bắt buộc doanh nghiệp sản xuất phải có thêm giấy phép kinh doanh mua - bán vàng miếng dẫn đến hiện tượng “giấy phép lồng trong giấy phép”, làm gia tăng chi phí tuân thủ và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Điều kiện vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng đối với doanh nghiệp được cho là “quá chặt”, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lại để phù hợp hơn với thực tiễn và năng lực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. VCCI dẫn phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định này có thể trở thành rào cản lớn, loại bỏ phần lớn doanh nghiệp khỏi khả năng tham gia thị trường. Điều này không chỉ hạn chế tính cạnh tranh mà còn khiến nguồn cung vàng miếng không đa dạng, ảnh hưởng đến quyền lợi và sự lựa chọn của người tiêu dùng.
VCCI cũng lo ngại việc dự thảo kiểm soát hoạt động nhập khẩu vàng miếng với nhiều tầng nấc, gồm giấy phép xuất nhập khẩu vàng; hạn mức xuất nhập khẩu hàng năm; giấy phép xuất nhập khẩu cho từng lần. Điều này sẽ tạo ra nhiều “giấy phép con” làm gia tăng thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo VCCI, giấy phép nhập khẩu vàng hiện chỉ được cấp cho các doanh nghiệp sản xuất vàng - tức là những đơn vị đã được NHNN cấp phép và giám sát nghiêm ngặt. Vì vậy, yêu cầu thêm một giấy phép xuất, nhập khẩu riêng là không cần thiết, gây chồng chéo thủ tục, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Quy định phải xin cấp phép cho từng lần xuất, nhập khẩu trong khi đã áp dụng hạn mức hàng năm cũng không hợp lý, thiếu tính linh hoạt. Trong bối cảnh thị trường vàng thường xuyên biến động, chịu tác động lớn từ yếu tố trong và ngoài nước, việc chờ cấp phép từng lần có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội thị trường, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh.
Từ đó, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề xuất bỏ yêu cầu giấy phép xuất, nhập khẩu vàng và giấy phép xuất, nhập khẩu theo từng lần, thay vào đó, áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả hơn như: liên thông dữ liệu giữa cơ quan hải quan và NHNN, hoặc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo định kỳ tình hình thực hiện hạn mức nhập khẩu. Giải pháp này vừa bảo đảm mục tiêu giám sát, vừa giảm gánh nặng thủ tục, phù hợp tinh thần cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị không bổ sung tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng thương mại, vào danh sách được phép sản xuất, kinh doanh vàng miếng.
Hiệp hội này cho rằng, theo Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại không có chức năng, nhiệm vụ sản xuất vàng. Nếu để ngân hàng tham gia lĩnh vực này sẽ buộc họ đầu tư lớn vào nhà xưởng, thiết bị, nhân lực, đi chệch khỏi nhiệm vụ chính là cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Trong thực tế, giai đoạn trước năm 2012, một số ngân hàng thương mại tham gia sản xuất và kinh doanh vàng miếng không hiệu quả, thậm chí để lại hậu quả ngoài mong muốn kéo dài.
Ở góc nhìn chuyên gia, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, ủng hộ xóa bỏ độc quyền trong sản xuất vàng miếng và mở rộng quyền sản xuất cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Hiện nay, chỉ có Công ty SJC được phép sản xuất vàng miếng, dẫn đến thiếu cạnh tranh, chi phí chế tác cao và nguồn cung hạn chế. Theo ông, nên cho phép thêm các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, tài chính được tham gia sản xuất dưới sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước. Việc này giúp đa dạng hóa nguồn cung và góp phần giảm áp lực tăng giá trên thị trường.
Về hoạt động nhập khẩu vàng, ông Ngô Trí Long đồng tình với quan điểm kiểm soát thông qua hạn ngạch rõ ràng. Ông nhấn mạnh, hạn ngạch nên được cấp dựa trên năng lực thực tế, hiệu quả kinh doanh, mức độ tuân thủ pháp luật và kết quả kiểm toán minh bạch của doanh nghiệp. “Cách làm này không chỉ bảo đảm công bằng và minh bạch, mà còn khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn tình trạng độc quyền nhóm và đầu cơ vàng miếng”, ông nói.
Cẩm Hà
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/go-doc-quyen-vang-mieng-doanh-nghiep-lo-giay-phep-con/